Trên căn gác nhỏ đã trở nên chật chội, cụ Kinh vừa bổ sung thêm vào gia tài thêu của mình 4 bản thêu hai bài thơ Tẩu lộ và Hoàng hôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hai bài thơ được nghệ nhân chọn trong số 133 bài thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian Người bị bắt từ năm 1942-1943 tại Trung Quốc trên con đường hoạt động cách mạng.

Nghệ nhân Lê Văn Kinh (trái) tại chương trình công bố, trao bằng xác lập kỷ lục Việt Nam dành cho ẩm thực và đặc sản Việt Nam (tháng 3-2014)

Hai bài thơ, được Bác sáng tác trong hoàn cảnh ngặt nghèo, khi bị giải từ nhà lao này sang nhà lao khác. Lạ thay, từ sự gian nan khổ ải ấy, lại bật lên những tứ thơ giàu triết lý, giản dị và rung động:

Bài thơ Tẩu lộ và Hoàng hôn, qua bản dịch của Nam Trân đã khiến cho lòng lão nghệ nhân cảm phục bởi chất nhân văn, tính trữ tình cách mạng, sự lạc quan ngời sáng tỏa ra từ cái kết của tứ thơ.
Bằng tất cả tình yêu đối với Bác, cụ Kinh đã cất công nắn nót viết chữ, tìm chỉ phù hợp, thể hiện trên bốn bản tranh thêu tay, bằng nguyên tác chữ Hán và dịch nghĩa Quốc ngữ. Công việc được cụ ròng rã thực hiện trong 9 tháng.
Trên nền gấm thất thể (được tạo nên bởi 7 màu chỉ), bản dịch tiếng Việt bài thơ Tẩu lộ (Đi đường) của Chủ tịch Hồ Chí Minh được cụ thể hiện tinh tế bằng chỉ tơ tằm đỏ chuyển từ đậm sang nhạt. Riêng bản nguyên tác chữ Hán lại được thêu trên nền tơ đỏ dệt kim tuyến. Một chất liệu cực hiếm, được mua tận Thượng Hải (Trung Quốc).
Riêng bài thơ Hoàng hôn, bản dịch được cụ thể hiện bằng chỉ tơ tằm chuyển từ xanh nhạt đến xanh đậm trên nền gấm vàng, tạo vẻ đẹp trang nhã, uyển chuyển. Đặc biệt, bài thơ nguyên tác lại được cụ chọn chất liệu chỉ kim tuyến, trên nền tơ tằm đen của làng lụa Vạn Phúc, tạo sự uyển chuyển, sống động, như thể cái hồn của bài thơ lay động qua từng đường kim, mũi chỉ.
Với ý nghĩa sâu sắc và sự độc đáo trong thể hiện, đây cũng là bốn bản tranh thêu tay vừa xác lập kỷ lục Việt Nam với danh hiệu, tác phẩm thêu tay thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chỉ tơ tằm Việt Nam đầu tiên.
Trước đó, năm 2011 và 2013, hai di sản thêu của cụ Kinh gồm hàng chục bản thêu bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư bằng 24 thứ tiếng và bộ Tâm kinh Bát Nhã Ba La Mật cũng đã xác lập kỷ lục Việt Nam.
Nói về những kỷ lục ấy, cụ cười bảo: ‘‘Tui thích nhất là được một nhà báo gán cho biệt danh, người xuất khẩu tiếng Việt”.
Quả thực, với tài hoa và cái tâm của một nghệ nhân, cửa hiệu thêu cổ xưa của cụ ở đường Phan Đăng Lưu TP Huế chẳng khác một chiếc cầu nối văn hóa. Ở đây, đã có không biết bao nhiêu cuộc hội ngộ tri kỷ Đông-Tây mà khách ghé chân, đã mang theo một ít vốn văn hóa Huế, văn hóa Việt qua những làng quê, những cảnh sắc, những bài thơ Việt đã được cụ chuyển tải và quảng bá bằng cách riêng của mình.
Kim Oanh