Các nhân viên của trang thương mại điện tử Lazada đóng gói sản phẩm để chuyển cho khách hàng. Ảnh: Panay
Tuy nhiên, mô hình tiêu thụ trong khu vực đang dần thay đổi. Trước đây, mỗi dịp tết đến, người dân đổ xô về các trung tâm mua sắm, gây ùn tắc giao thông và rất vất vả để kiếm chỗ đỗ xe. Nhưng trong vài năm qua, kể từ khi các trang web mua sắm và thương mại điện tử trực tuyến xuất hiện trong khu vực, mọi thứ đã bắt đầu thay đổi. Ngày càng nhiều người chọn mua sắm trực tuyến trong các dịp lễ tết.
Thương mại điện tử thống trị doanh số
Theo nghiên cứu của công ty quảng cáo Criteo, khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên đán năm 2017, tổng doanh số bán lẻ trực tuyến mỗi ngày trên khắp Đông Nam Á tăng 35%. Năm ngoái, Criteo dự đoán mức tăng trên các danh mục mua sắm khác nhau, trong đó thời trang có mức tăng doanh số lên tới 71%, thực phẩm và hàng tạp hóa tăng tới 101%. Hầu hết sự gia tăng này đều được thực hiện trực tuyến.
Thực tế, việc chuyển sang mua sắm trực tuyến không có gì đáng ngạc nhiên khi xét đến sự thâm nhập internet di động lớn trong khu vực. Đồng thời, thu nhập ngày càng tăng ở các nước ASEAN cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á.
Với việc thương mại điện tử liên tục gặt hái lợi nhuận kỷ lục, lĩnh vực này sẽ đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực. Một nghiên cứu chung của Google và Temasek cho thấy, nền kinh tế internet của Đông Nam Á dự kiến sẽ trị giá hơn 240 tỷ USD vào năm 2025, cao hơn 40 tỷ USD so với ước đoán ban đầu năm 2018, trong đó thương mại điện tử được dự đoán có giá trị 102 tỷ USD - chiếm hơn 40% tổng giá trị trong nền kinh tế internet của khu vực.
Nhiều chương trình khuyến mãi lớn
Trong bối cảnh thương mại điện tử trở thành phương thức mua sắm ưa thích hiện nay, các trang web liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Lazada – trang thương mại điện tử thuộc sở hữu của Alibaba, hoạt động ở hầu hết các nước Đông Nam Á đã có đợt giảm giá trong 3 ngày với mức giảm giá lên tới 85%. Một đối thủ của Lazada trong khu vực là Shopee cũng có đợt giảm giá lớn trên trang web của họ. Trong thời gian khuyến mãi, người dùng Shoppee có thể nhận được tới 88% tiền hoàn lại hàng ngày bằng cách sử dụng các phiếu mua hàng được phát mỗi ngày.
Bên cạnh đó, các trang web du lịch cũng bội thu trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Theo Criteo, doanh số từ các hoạt động du lịch thường gia tăng trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tuần trước Tết âm lịch. Số liệu cho thấy, trong ba tuần trước Tết, doanh thu từ du lịch trung bình tăng 33% tại Hồng Kông, Đài Loan và Singapore.
Rõ ràng, dịp Tết Nguyên đán đang mang lại nhiều cơ hội kiếm tiền và đạt lợi nhuận cao cho nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Hy vọng, việc gia tăng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp này cũng sẽ mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.
Tố Quyên
(Lược dịch từ The Post)