Tùy tiện vứt chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng

Tính đến thời điểm này, vụ đông xuân đã được bà con nông dân hoàn tất và tích cực phun trừ các loại cỏ dại, sâu bệnh và ốc bươu vàng hại lúa, do đó một lượng lớn thuốc BVTV được sử dụng trên đồng ruộng, có hộ nông dân một lần phun phải sử dụng 5-6 loại thuốc khác nhau trên một diện tích lúa và hoa màu.

Các loại thuốc này đa số đều có độ độc hại. Trên nhãn mác, nhà sản xuất khuyến cáo người sử dụng mang khẩu trang, áo quần bảo hộ để an toàn, tránh bị ngộ độc và nhất là phải chú ý thu gom và xử lý bao bì, chai đựng thuốc.

Bên cạnh nhiều bà con nông dân có ý thức thu gom vỏ bao bì, chai nhựa, thủy tinh sau khi phun xịt thuốc cho lúa và hoa màu để chôn lấp hoặc để vào những bể chứa rác trên cánh đồng thì không ít người tiện đâu vứt đó.

Trên những cánh đồng, không khó để bắt gặp những loại rác thải thuốc BVTV vứt đầy vệ đường, bờ mương, thậm chí là “vô tư” trôi nổi trên các ao hồ, điều này hết sức nguy hiểm vì các loại chất độc phát tán rộng hơn theo dòng chảy.

Theo tìm hiểu, các loại bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV rất khó tiêu hủy trong môi trường tự nhiên, phải mất đến hàng chục, thậm chí cả trăm năm; còn khi tiêu hủy bằng cách đốt, các loại rác này sản sinh ra các loại chất độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Đặc biệt, số hóa chất tồn đọng trong những bao bì, chai lọ sau khi phun nếu không được thu gom cẩn thận sẽ là nguyên nhân gây ngộ độc cho con người và vật nuôi, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Tại những hồ, mương nước nhiều loại cá, tôm, ốc chết do bị nhiễm độc, nhiều loại gia súc, gia cầm bị ảnh hưởng hoặc chết do ăn các loại thức ăn nhiễm thuốc BVTV; thậm chí đã có người phải nhập viện vì giẫm phải mảnh thủy tinh hay ngộ độc thuốc trừ sâu vì các loại rác thải BVTV trên đồng ruộng.

Lý giải điều này, một số nông dân cho biết vì sợ mang thuốc độc hại về nhà để chôn lấp do nhà có trẻ nhỏ và gia súc nên đành phải “để lại ở ngoài đồng” xem như là giải pháp “an toàn”. Ở nhiều địa phương, chính quyền đã cho xây dựng nhiều bể xi măng đựng rác thải BVTV trên đồng ruộng để tập kết bao bì, chai lọ sau khi phun thuốc nhưng công tác tiêu hủy số rác trên như thế nào để đảm bảo đúng quy định và an toàn vẫn bỏ ngỏ. Nhiều nơi, do không tiêu hủy nên khi có mưa lũ, số rác này lại được phát tán theo dòng nước.

Giải pháp để giải quyết vấn đề trên quan trọng nhất là phát huy vai trò của chính quyền địa phương, đoàn thể, nhất là Hội Nông dân tuyên truyền cho người nông dân biết cách xử lý rác thải thuốc BVTV đúng quy trình, an toàn trong canh tác nông nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người và góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, có cơ chế phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững, hạn chế sử dụng thuốc BVTV trong canh tác.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH