Những người tổ chức Giải thưởng Dresden cho biết người phụ nữ 55 tuổi này được vinh danh hôm 11-2 vì đã ủng hộ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và trẻ em bị thương trong chiến tranh, cũng như đã công khai lên tiếng chống lại bạo lực và hận thù.

Những người nhận giải thưởng trước đây bao gồm cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev, nghệ sĩ piano kiêm nhạc trưởng Israel Daniel Barenboim, nhạc sĩ người Sudan Emmanuel Jal và nhà hoạt động dân quyền người Mỹ Tommie Smith, theo báo Dresden Magazine.

Phúc lên chín khi một máy bay của chính quyền Sài Gòn ném bom napalm xuống Trảng Bàng, nơi quân Giải phóng đang kiểm soát, gây thương vong lớn cho thường dân.


Bà Phan Thị Kim Phúc. Ảnh: DRESDEN MAGAZINE

Tại thời điểm đó, Nick Ut đang là phóng viên chiến trường của hãng tin AP. Phóng viên này đến Trảng Bàng khi trận không kích đang diễn ra và chụp được những bức ảnh làm thay đổi cái nhìn của thế giới về chiến tranh ở Việt Nam cũng như thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ.

Một trong những tác phẩm góp phần tạo nên tên tuổi của Nick Ut, người giành giải Pulitzer vào năm 1973, chính là bức ảnh chụp Phúc vừa chạy vừa gào khóc trên đường, cởi bỏ quần áo bị thiêu cháy vốn khiến từng mảng da của cô bé rộp lên vì bỏng.

Phúc sống sót sau chiến tranh nhưng bị thương nặng và từ đó trở thành một nhà hoạt động vì hòa bình.

Bà Phúc sống cùng với gia đình ở thành phố Toronto (Canada). Vào năm 1994, người phụ nữ này được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí của UNESCO. Cách đây gần 22 năm, cô thành lập Quỹ Kim Phúc giúp các nạn nhân chiến tranh nhỏ tuổi được chăm sóc y tế.

Được bảo trợ bởi Quỹ Klaus Tschira, Giải thưởng Dresden được trao cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc cho hòa bình và hiểu biết quốc tế. Những người sáng lập đã đưa ra tuyên bố: “Chiến tranh không bao giờ nên là phương sách cuối cùng, nó luôn luôn sai”.

Buổi lễ trao giải hôm 11-2 có sự hiện diện của cựu Bộ trưởng Nội vụ Đức Gerhart Baum và các học sinh của Trường Trung học Marie-Curie ở thành phố Dresden.

Theo Báo Pháp Luật