Nhóm điều tra thực địa tại vùng rừng huyện Phong Điền. Ảnh: Lê Trung

Mục tiêu đặt ra là xem xét cấu trúc rừng tự nhiên và đánh giá khả năng cung cấp nguồn giống tự nhiên của các loài thực vật bản địa lá rộng phục vụ trồng ở KRMNĐ. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu là cây gỗ và cây tái sinh của thảm thực vật bản địa lá rộng ở địa bàn huyện Phong Điền.

Nhóm nghiên cứu của BTTNDHMT đã điều tra, khảo sát 10 ô tiêu chuẩn, diện tích 500m2 đối với những cây ở vị trí đường kính ngang ngực (1,3m) lớn hơn 8cm (tương đương chu vi 25,12cm) tại các xã Phong Xuân, Phong Sơn và Phong Mỹ để đánh giá sự đa dạng thành phần loài, mật độ và phẩm chất của các cây bản địa lá rộng.

Kết quả đã xác định được 83 loài, 40 họ, thuộc ngành Mộc lan (Magnoliophyta). Trong ngành Mộc lan, họ Long não (Lauraceae) và họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) chiếm ưu thế với 6 loài; họ Trôm (Sterculiaceae) 5 loài; họ Dẻ (Fagaceae), họ Dâu tằm (Moraceae) 4 loài; họ Mộc lan (Magnoliaceae), họ Na (Annonaceae), họ Bứa (Clusiaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Sim (Myrtaceae), họ Xoài (Anacardiaceae) và họ Cà phê (Rubiaceae) 3 loài; các họ còn lại từ 1 đến 2 loài.

“Chúng tôi đã chọn chỉ số Shannon (H) để đánh giá tính đa dạng của quần hợp các loài thực vật bản địa lá rộng đã nghiên cứu vì chỉ số này đánh giá tổng hợp cả độ đa dạng loài (số loài) và độ đa dạng trong loài (số cá thể từng loài). Chỉ số Shannon cao (H=4,03), chứng tỏ thảm thực vật trong quần hợp có số lượng loài lớn và số cá thể trong loài nhỏ”, ông Lê Nguyễn Thới Trung – cán bộ BTTNDHMT cho biết.

Quá trình khảo sát, nhóm điều tra đã xác định được mật độ 580 cây/ha trong đó các loài có mật độ và tỷ lệ tổ thành chiếm ưu thế gồm Bưởi bung, Máu chó lá nhỏ (Knema conferta), Tâm lang (Barringtonia macrostachya), Ngát lông (Gironniera nervosa), Chân chim (Schefflera heptaphylla), Trường vãi (Nephelium cuspidatum), Trâm trắng (Syzygium wightianum), Ngát vàng (Gironniera subaequalis), Mítláan tức) Artocarpus styracifolius), Thành ngạnh (Cratoxylum cochinchinense).

Theo kết quả nghiên cứu, trong 40 ô tái sinh đã xác định 102 loài, thuộc 44 họ, ngành Mộc lan và 1 loài không xác định được. Chỉ số đa dạng (H) của thực vật  bản địa lá rộng tái sinh cao (H=4,12), chứng tỏ thảm thực vật trong quần hợp có số lượng loài lớn và số cá thể trong loài nhỏ. Chỉ số tương đồng (SI) của thực vật bản địa lá rộng và cây tái sinh cao (SI=0,72) với 67 loài xuất hiện ở cả hai quần hợp.

Kết quả trên cho thấy, đặc điểm này thuận lợi cho việc hình thành tầng rừng chính của rừng trong tương lai, do tái sinh từ hạt có đời sống dài hơn, khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi tốt hơn so với cây tái sinh từ chồi. Tỷ lệ cây tái sinh từ hạt lớn và cây có phẩm chất tốt; trung bình chiếm tỷ lệ cao tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập nguồn giống trồng phục hồi KRMNĐ.

“Trên cơ sở kết quả điều tra điền dã, chúng tôi đề xuất tiêu chuẩn cây giống lấy từ rừng tự nhiên là cây con sinh trưởng tốt, thân thẳng, cân đối, không bị sâu bệnh, cụt ngọn. Chiều cao dưới 0,5m, đường kính cổ rễ >1,0cm. Cây con được nuôi dưỡng trong vườn ươm tối thiểu 3 tháng rồi đem trồng ở KRMNĐ”, ông Thới Trung thông tin.

Nhóm điều tra đã đưa ra những giải pháp thu thập nguồn giống trồng phục hồi KRMNĐ. Với 48 loài dự kiến đưa vào trồng, trong đó 11 loài không có ở vùng rừng Thừa Thiên Huế, 8 loài đã gieo ươm thành công và 29 loài thực vật lấy từ rừng tự nhiên về trồng; giải pháp phát triển các ưu hợp trong KRMNĐ và giải pháp về chiều cao khi di thực các loài bản địa lá rộng tái sinh từ rừng về trồng.

Đinh Văn