Thú thật, ban đầu là tôi chạy đến với rổ me rốp trước khi biết người bán me ở một góc bên cầu ngói Thanh Toàn là mệ già có lẽ đã ngoài 80 tuổi.

Trong rổ lúc đó áng chừng còn khoảng 3 lạng quả me khô, mệ cho giá 15 ngàn đồng. Cũng may tôi chưa lộ thói quen kỳ kèo bớt một thêm hai hay vặn vẹo hỏi “Me có chua không?” thì đã có một người khách hàng khác đứng phía sau lưng tôi, lễ phép nói: “Cho con thêm 10 ngàn nữa mệ”.

Lúc này tôi mới bắt đầu quan sát và nhận ra người bán hàng là người đã ở tuổi nghỉ ngơi. Không trả lời, mệ chậm rãi đưa bàn tay khô cằn chỉ còn da bọc xương vốc từng vốc me vào một cái bọc. Chưa được phân nửa thì người khách ấy lại lên tiếng: “Thôi chừng nớ đủ rồi mệ ơi”.

Mệ không từ chối, cũng không trả lời, vẫn chậm rãi thắt bọc me lại trước khi đưa cho khách. Chị khách nọ cúi người đặt tờ 10 ngàn đồng vào một cái rổ đựng tiền của mệ bên cạnh rổ me, chị quay sang nói với tôi: “Me ngon lắm, mua luôn cho mệ đi chị”. Thế là bao nhiêu cái sự sân si trong tôi cũng biến mất, cứ thế răm rắp làm theo như người khách nọ.

Gần hai tiếng đồng hồ, hết lang thang tham quan nhà trưng bày rồi ăn quà vặt khắp khu du lịch Cầu ngói, tôi cứ cảm thấy chạnh lòng với hình ảnh mệ già bán me rốp và cả người khách nọ. Lúc quay về, thấy mệ vẫn ngồi yên chỗ cũ, hờ hững với rổ tiền bên cạnh dù trong đó có nhiều tờ tiền mệnh giá từ 5 ngàn đến 20 ngàn đồng. Tôi tò mò:

- Bán hết rồi, răng mệ không về nhà nghỉ ngơi cho khỏe?

- Về nhà buồn, mệ ở đây nhìn người đi qua đi lại cho vui.

- Rứa thì mệ cất tiền vô túi áo đi mệ.

- Ừ, mà kệ, ai mà lấy tiền của mệ mô mà lo, ngồi ri chứ cần chi chỉ nói một tiếng là có người giúp liền, lo chi.

Tôi “dạ” rồi chào mệ trước khi đi. Mỗi bước chân như thấy nặng hơn vì sợ như có ai đó quanh đây đã nghe những lo lắng của mình. Nhưng rồi, cảm giác tự thẹn thùng cũng vội qua đi, thay vào đó là cảm nhận về nỗi cô đơn của người già và tấm lòng nhân ái của mọi người dành cho người già.

ĐĂNG VIỆT