Cà chua được bày bán trong một khu chợ ở thành phố Ramallah, Palestine. Ảnh: World Bank

Theo đó, Hội nghị An toàn Thực phẩm quốc tế lần đầu tiên được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Liên minh châu Phi (AU) tổ chức tại thủ đô Addis Ababa, Ethiopia từ ngày 12-13/2; nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm ra nguồn gốc của thực phẩm nguy hiểm, điều cũng đang cản trở tiến trình phát triển bền vững ở mọi nơi.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng giám đốc FAO, ông José Graziano da Silva cho hay: “Bảo vệ thực phẩm là một trách nhiệm chung. Tất cả chúng ta phải thực hiện vai trò của mình. Chúng ta phải làm việc cùng nhau để tăng cường an toàn thực phẩm trong các chương trình nghị sự chính trị quốc gia và quốc tế”.

Những căn bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn làm quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe và gây thiệt hại cho các nền kinh tế, thương mại và du lịch. Hơn nữa, tác động của thực phẩm không an toàn gây tổn thất cho những nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình, ở mức khoảng 95 tỷ USD năng suất bị mất đi mỗi năm.

“Không có an ninh lương thực nếu không có an toàn thực phẩm”, người đứng đầu FAO lưu ý; đồng thời cho rằng, hội nghị là “một cơ hội tuyệt vời để cộng đồng quốc tế tăng cường các cam kết chính trị và tham gia vào những hành động quan trọng”.

Ngoài ra, an toàn thực phẩm phải là mục tiêu quan trọng nhất ở mọi giai đoạn của chuỗi thực phẩm, từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân phối, chuẩn bị và tiêu thụ, các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo nhận định, an toàn thực phẩm là “một yếu tố trung tâm của sức khỏe cộng đồng”, sẽ là yếu tố tất yếu trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030.

Khoảng 130 quốc gia đang tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày, bao gồm các Bộ trưởng Nông nghiệp, Y tế và Thương mại; các chuyên gia khoa học; cơ quan đối tác; các tổ chức xã hội dân sự; và khu vực tư nhân.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ UN News & WHO)