Lớp học giàu hình ảnh ngôn ngữ
Lớp học của sự lặng im
NNKH ở mỗi đất nước, vùng miền có sự khác biệt, đó là một trong những lý do chính người khiếm thính cũng cần được học tiếng Anh, để có thể kết nối với thế giới. Và, chủ nhật hàng tuần, tại Trung tâm Anh ngữ Enjoyable English có một lớp tiếng Anh đặc biệt dành cho những người bạn trong Câu lạc bộ (CLB) Người điếc Huế thuộc Hội Người khuyết tật Thừa Thiên Huế. Chín học viên là những cô gái trẻ tuổi đời từ 20 – 30, không may mắn được nghe âm thanh nhưng có trái tim biết lắng nghe, sẻ chia và khát khao được học nhiều hơn để phát triển bản thân.
Cô giáo Hồ Thị Mỹ Linh, giáo viên tiếng Anh, phiên dịch viên Âm ngữ trị liệu, là người sáng lập Enjoyable English, cho hay: “Các thành viên của lớp học mỗi bạn có cuộc sống và công việc riêng. Có bạn làm nghề may, có bạn làm hoa giấy, có bạn làm bảo mẫu cho trẻ khuyết tật. Điểm chung là ai cũng yêu thích học ngoại ngữ và muốn chinh phục được ngôn ngữ quốc tế này”.
Giờ học ở đây không có tiếng giảng bài của giáo viên, cũng chẳng có tiếng thì thầm to nhỏ của học viên nhưng không hề thiếu những hình ảnh sinh động từ sắc thái ngôn ngữ của đôi tay linh hoạt, biểu cảm phong phú trên nét mặt hay cả ngôn ngữ hình thể. Cô trò trao đổi với nhau qua NNKH hay đôi khi viết lời giải thích bằng tiếng Việt.
Chị Nguyễn Thị Hà Thanh, chủ nhiệm CLB Người điếc Huế đã phải nghỉ học từ năm lớp 3 do không nghe được giáo viên giảng bài. Vậy nhưng, Hà Thanh luôn nỗ lực tự học thêm mọi thứ. Chị sử dụng NNKH thành thạo (không phải người khiếm thính nào cũng giỏi NNKH, bạn nào may mắn được tiếp xúc và rèn luyện NNKH sớm thì sẽ học tốt hơn), chị giỏi đọc hiểu và viết tiếng Việt. Ngoài ra, Hà Thanh tư duy hình ảnh tốt, có năng khiếu về hội hoạ, khéo tay với những đồ handmade. Trò chuyện với chị qua những dòng tin nhắn trên Facebook messenger khi ngồi cạnh bên, Hà Thanh chia sẻ rằng tiếng Anh thật khó nhưng thú vị và chị luôn cố gắng học từng ngày. Hà Thanh mong muốn thông qua tiếng Anh, chị sẽ tiếp cận được thêm nhiều nguồn kiến thức mới và có thể giao tiếp với người nước ngoài.
Cô và trò được học thêm ngôn ngữ mới
Cô và trò cùng học
Giáo viên dạy tiếng Anh ở đây hầu hết là những bạn sinh viên giỏi tiếng Anh, có tấm lòng nhân ái đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố. Sau những giờ miệt mài học tập trên giảng đường, các bạn lại dành thời gian ôn soạn tài liệu, nghĩ ra các trò chơi giúp người học hứng thú và dễ tiếp thu bài, bao gồm giáo án đặc biệt để chuẩn bị cho những tiết học ngày chủ nhật.
Với người nghe thường, tiếng Anh cần phải chú trọng cả về phát âm và ngữ pháp. Riêng với các bạn trong CLB Người điếc Huế, việc nhận biết và nhớ mặt từ vựng được ưu tiên hơn. Có nhiều cách ghi nhớ, như viết từ vựng ra hoặc nhớ bằng kí hiệu tay. Võ Thị Thanh Châu, làm việc tại Hoa giấy Lavin home, thành viên của lớp học, chia sẻ bạn được học với những phương pháp linh hoạt, giáo viên thường có những cách hay như chơi các trò chơi. Các chủ điểm học thường liên quan mật thiết với đời sống hằng ngày để học viên có thể vận dụng vào ghi nhớ bài học một cách tự nhiên nhất. Cô Mỹ Linh chia sẻ: “Tôi thường xuyên trao đổi với các giáo viên, các tình nguyện viên và thành viên của CLB để thử nghiệm những phương pháp học mới tạo trải nghiệm cho người học. Đội ngũ giảng dạy của Enjoyable English luôn trăn trở làm thế nào để sáng tạo hơn nhằm thu hút và khơi gợi sự đam mê học ngoại ngữ của các bạn khiếm thính. Chứng kiến sự đam mê, lòng khát khao được biết thêm một ngôn ngữ mới của các bạn trong CLB Người điếc Huế chính là niềm động lực lớn cho chúng tôi”.
Lớp học là dòng chảy hai chiều, khi cả cô và trò cùng được học thêm một ngôn ngữ mới. “Ở lớp học này, không chỉ các bạn trong CLB mà chính bản thân tôi cũng được học thêm một ngôn ngữ mới- ngôn ngữ ký hiệu. Trước khi “đứng lớp”, tôi đã tự học NNKH khoảng một tháng. Mỗi giờ lên lớp tôi lại được học nhiều hơn từ những người học trò đặc biệt”, Hoàng Nguyên Diệu Hằng, cô giáo của lớp học tiếng Anh cho người khiếm thính, hiện đang là sinh viên năm cuối, Khoa Sư phạm Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Huế bộc bạch. Hằng kể thêm, bạn đã rất ngạc nhiên khi một lần nọ cả nhóm cùng xem clip dùng NNKH của một người Mỹ thì chị Hà Thanh có thể dịch lại kí hiệu tay của người Việt cho cả nhóm cùng hiểu.
Mỗi buổi học thường được kết thúc sau những cái ôm ấm áp của người dạy và người học. Họ trao cho nhau không chỉ kiến thức mà còn là tình cảm trân trọng, giàu tính nhân văn. Người khiếm thính có cuộc sống không ồn ào, thay vào đó, họ luôn nỗ lực tạo ra những giá trị của bản thân để nói thay cho tiếng nói của họ, thể hiện ở thái độ sống, sự khát khao học hỏi.
Thời gian tới, cô Mỹ Linh mong muốn phát triển thêm NNKH cho giáo viên. Enjoyable English vẫn duy trì các lớp tiếng Anh thiện nguyện cho người khuyết tật và tiếp tục mở các lớp NNKH thiện nguyện do Hà Thanh phụ trách.
Bài, ảnh: PHƯỚC LY