Nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân Lâm Lý

Ông Nguyễn Tuấn ở thôn Hà Đồ - Phước Lập cho rằng, việc sáp nhập thôn để tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, thuận lợi trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương là việc làm cần thiết. Từ khi địa phương tổ chức các cuộc họp, tuyên truyền chủ trương sáp nhập thôn, ông cũng như nhiều người dân trong thôn Phước Lập (khi chưa sáp nhập) đều đồng tình ủng hộ. Ông Tuấn còn tham gia cùng với địa phương vận động bà con nhân dân tạo điều kiện cho các cấp, ngành triển khai chủ trương này.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch UBND xã Quảng Phước đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các trưởng, phó thôn, bí thư, phó bí chi bộ thôn trong quá trình sáp nhập. Các trưởng thôn, bí thư chi bộ không băn khoăn việc ai đứng đầu sau khi sáp nhập, mà có chung quan điểm là phải đoàn kết, chung tay trong quản lý, điều hành để kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Hầu hết các trưởng, phó các thôn, các bí thư, phó bí thư các chi bộ sau khi sáp nhập đều được bố trí phù hợp, tạo sự đồng thuận cao.

Tuy vậy, vẫn có một bộ phận người dân chưa hiểu hết chủ trương sáp nhập thôn nên ít nhiều gây khó khăn, phiền hà trong quá trình triển khai thực hiện. Khi sáp nhập thôn Hà Đồ và Phước Lập, hay Phước Lâm và Phước Lý thì người dân các thôn yêu cầu phải lấy tên thôn cũ của mình. Cuối cùng chính quyền địa phương phải đi đến thống nhất gộp tên hai thôn lại. Huyện Quảng Điền cũng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường bê tông dài gần cây số để kết nối các thôn sau khi sáp nhập.

Ngoài hai thôn Phước Lập và Hà Đồ, thời gian qua, xã Quảng Phước cũng đã sáp nhập thôn Phước Lý và Phước Lâm thành thôn Lâm Lý. Việc sáp nhập các thôn là hết sức cần thiết để Nhà nước quản lý và điều hành về mọi mặt; tổng hợp được sức mạnh của quần chúng nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, đoàn kết xây dựng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, củng cố hệ thống chính trị thôn và phát triển đảng viên, phấn đấu xây dựng xã Quảng Phước đạt chuẩn xã nông thôn mới trong thời gian sắp tới.

Ông Lê Văn Khuyến, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quảng Điền đánh giá, sau khi sáp nhập các thôn, đội ngũ cán bộ được bố trí một cách hợp lý, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lựa chọn cán bộ có đủ phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, kinh nghiệm và cả trình độ văn hóa, cơ cấu trẻ... để bố trí, đề bạt vào chức danh trưởng, phó thôn, bí thư chi bộ... Với việc giảm 10 thôn kéo theo số lượng cán bộ thôn giảm khoảng 20 người, như vậy bình quân mỗi tháng, kinh phí phụ cấp giảm khoảng 20-25 triệu đồng. Từ việc sáp nhập thôn, bộ máy chính quyền thôn tinh gọn hơn, thuận lợi trong công tác điều hành, quản lý, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước một cách thuận lợi. Nhân dân các thôn học tập lẫn nhau trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng...

Ngoài sáp nhập, huyện Quảng Điền đã tiến hành chia tách các thôn do điều kiện diện tích, quy mô dân số lớn. Cụ thể, thôn An Xuân được chia tách thành 3 thôn An Xuân Bắc, An Xuân Tây, An Xuân Đông thuộc xã Quảng An; chia tách thôn Thủ Lễ thành hai thôn Thủ Lễ 2 và Thủ Lễ 3 thuộc xã Quảng Phước.

Bài, ảnh: Hoàng Triều