Tham quan chùa Thiên Mụ kết hợp với ăn chay là tour du lịch được nhiều doanh nghiệp khai thác thời gian qua. Ảnh: Đức Quang

Đặc sản của Huế

Người dân Huế thường có thói quen ăn chay vào các đầu tháng và cuối tháng âm lịch. Từ những món chay dân gian dễ làm đến những món cầu kỳ phục vụ tầng lớp cao cấp và khách du lịch đều có đủ.

Sư cô Thích Nữ Minh Tú (trụ trì chùa Đức Sơn) cho biết: “Truyền thống ăn chay của người dân Huế đã có từ lâu, thịnh hành nhất từ thời Lý - Trần cho đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và đến nay, nó đã trở thành nét văn hóa”.

Hiện nay, ở Huế mọc lên khá nhiều quán chay để phục vụ cho nhu cầu của người dân và du khách. Trong đó có những quán chay nổi tiếng “đông nghịt” khách vào các dịp lễ tết, ngày rằm ở đường Lê Quý Đôn, Trường Chinh, Phan Bội Châu... Điểm khác biệt trong nét ẩm thực chay ở Huế đó là các món ăn khá cầu kỳ, trang trí phải đẹp mắt. Người ta ăn bằng mắt, ngửi mùi thơm trước khi nếm mùi vị của nó. Sự cầu kỳ không phải bằng những nguyên liệu khó tìm mà ở trong cách chế biến phải đủ các loại gia vị. Bên cạnh đó, việc đặt tên các món chay theo món mặn cũng rất phổ biến trong các hàng quán để hấp dẫn du khách.

Vào các ngày rằm hay mồng một, các hàng quán sẽ đổi thực đơn món mặn sang món chay. Ngay cả ngày thường các quán chay cũng rất đông khách. Theo chị Trần Thị Hồng Mai, quản lý nhà hàng chay Liên Hoa nổi tiếng của Huế cho biết, phần lớn thực khách đến đây chủ yếu thưởng thức các món như lẩu chay, bánh lọc, ram cuốn, vả trộn, nộm… Không chỉ riêng khách du lịch trong nước, các đoàn hành hương mà khách du lịch nước ngoài cũng yêu thích các món chay xứ Huế.

Chị Hồ Tiểu Châu, 35 tuổi, khách du lịch từ Đà Nẵng, cho biết: “Chỉ nhìn thoáng qua các món chay ở Huế, đã thấy ngon rồi, thua gì nem công chả phượng. Ăn chay ở Huế khác với các nơi khác mà tôi từng đến, chỉ trong một ngày tôi không thể ăn hết các món trong thực đơn, khi trở lại Huế, tôi sẽ tiếp tục thưởng thức các món mà hôm nay chưa được thử qua”.

Sản phẩm du lịch

Huế là điểm đến mà khách du lịch không chỉ để tham quan các công trình đền đài, lăng tẩm mà còn để nghỉ dưỡng theo loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Theo phòng quản lý lữ hành, Sở Du lịch, ẩm thực chay sẽ là phần qua trọng trong các tour du lịch tâm linh, khi ẩm thực chay được đầu tư hơn về dịch vụ, chắc chắn sẽ tạo thêm sức hút cho các tour du lịch tâm linh.

Theo Sở Du lịch, ẩm thực chay có nhiều thế mạnh và tiềm năng đang được chú trọng khai thác. Đây cũng là một hướng phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới. Sở đang hoàn thiện bộ hồ sơ trình UNESCO sớm công nhận ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; trong đó món chay Huế đóng góp một phần quan trọng. Bên cạnh đó là việc xây dựng, thiết kế thêm các tour du lịch gắn với giới thiệu, quảng bá ẩm thực chay Huế đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là trong các lễ hội và các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế.

Chị Trần Thị Hồng Mai, quản lý nhà hàng chay Liên Hoa, cho biết: “Nhà hàng thường đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội, website như foody Huế. Bên cạnh đó nhà hàng cũng cố gắng nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu của thực khách, chất lượng tốt thì du khách ắt sẽ quay lại. Nếu được, nhà hàng rất cần sự hỗ trợ quảng bá của Nhà nước để thực ẩm chay được nhiều du khách biết đến nhiều hơn”.

Ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Sở Du lịch cho hay, để việc đa dạng hóa ẩm thực chay được phát huy một cách hữu hiệu thì cũng cần có chính sách liên kết với các hãng hàng không, các công ty đường sắt, đường thủy, đường bộ,... để hình thành thực đơn chay phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách. Đồng thời cũng cần có và duy trì những chính sách quảng cáo hợp lý, nhân viên giới thiệu cho du khách về nét đặc trưng cũng như lợi ích của các món chay. Ngoài ra cần phải lưu ý là việc đa dạng hóa sản phẩm ẩm thực phải đi đôi với việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng.

Trần Hiền – Bảo Lâm