Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo phương án thi THPT quốc gia 2019 để lấy ý kiến xã hội. Dự thảo này có nhiều điểm thay đổi so với các kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, trong đó Bộ sẽ giao cho các trường đại học chủ trì chấm thi các bài trắc nghiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, việc giao cho các trường đại học chủ trì chấm thi không mâu thuẫn với mục đích của kỳ thi THPT quốc gia.

PV đã trao đổi với ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề này.

Ảnh minh họa

PV: Thưa ông, một mặt chúng ta đang khuyến khích các trường đại học tự chủ hơn trong vấn đề tuyển sinh, nhưng một mặt khác thì Bộ lại yêu cầu các trường đại học, cao đẳng tham gia sâu hơn trong vai trò trách nhiệm lớn hơn trong kỳ thi này. Vậy thì hai điều này có mâu thuẫn với nhau không?

Ông Mai Văn Trinh: Trước hết, phải khẳng định ngay là việc các trường đại học, các trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên tham gia vào kỳ thi THPT quốc gia không mâu thuẫn và không ảnh hưởng gì đến quyền tự chủ tuyển sinh của các trường.

Đây là kỳ thi THPT quốc gia, kết quả được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và để giúp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm căn cứ, làm cơ sở để tuyển sinh. Như vậy việc các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào kỳ thi này cũng vừa là nhiệm vụ chính trị, nhưng đồng thời cũng chính là đang phục vụ cho lợi ích của chính bản thân mình. Việc sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đến đâu, ở mức độ nào là hoàn toàn quyền tự quyết của các cơ sở giáo dục đại học.

Trên thực tế, việc các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào kỳ thi này cũng chính là nguyện vọng của các trường. Và trên thực tế, việc các cơ sở giáo dục đại học tham gia vào các khâu của kỳ thi làm cho kỳ thi này khách quan hơn độ tin cậy tốt hơn và đại đa số các cơ sở giáo dục đại học hoàn toàn sẵn sàng tham gia kỳ thi này.

PV: Trong phương án mà Bộ đưa ra thì các giải pháp nhằm phòng chống gian lận chủ yếu tập trung vào khối bài thi trắc nghiệm. Trong khi đó còn môn Văn thi tự luận. Nhiều ý kiến cho rằng môn Văn cũng cũng vẫn có thể xảy ra tiêu cực. Vậy thì Bộ đã lường trước được những khó khăn này hay chưa?

Ông Mai Văn Trinh: Những băn khoăn lo lắng là có cơ sở. Tất cả các kỳ thi nếu lơ là, nếu không thực hiện đúng những quy định, quy chế thì tiêu cực có thể xảy ra. Việc chấm bài thi tự luận, cụ thể ở đây là môn Ngữ văn chúng tôi đã nhìn thấy được những rủi ro, những tiềm ẩn có thể xuất hiện việc gian lận ở đó.

Chúng tôi tiếp tục có những giải pháp cụ thể để phòng ngừa được những gian lận này.

Thứ nhất là ở khâu đánh phách, bài thi sẽ thực hiện nghiêm ngặt việc đánh phách hai vòng độc lập và trong quá trình đánh phách như vậy là sẽ có sự cách ly giữa người làm phách ở các vòng và với cán bộ chấm thi.

Thứ 2 là quy định nghiêm trong quá trình chấm thi từ việc bốc thăm để phân túi bài thi cho đến việc chấm hai vòng độc lập cho đến việc đối sánh, giải trình kết quả khi có sự chênh lệch. Trong quá trình đó thì khâu giám sát, khâu thanh tra sẽ được tiếp tục đẩy một bước. Hướng dẫn chấm cũng sẽ cụ thể và cũng sẽ được thảo luận một cách rất chắc chắn trước khi tiến hành chấm thi. Bằng một loạt các giải pháp như vậy chúng ta hướng đến việc chấm bài thi tự luận cũng sẽ bảo đảm độ tin cậy.

PV: Tuy nhiên, trong kỳ thi này, việc gian lận thi cử không chỉ diễn ra ở khâu chấm thi mà có thể diễn ra ngay ở khâu coi thi và sau này. Vậy Bộ có giải pháp cụ thể nào để hạn chế được thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra?

Ông Mai Văn Trinh: Đúng là gian lận thi cử có thể xảy ra ở mọi khâu, chính vì thế mà trong dự thảo quy chế thì trong từng khâu của kỳ thi chúng tôi đều có những điều chỉnh theo hướng là cụ thể hơn, quy định rõ trách nhiệm hơn, quy trình sáng rõ hơn để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc ở tất cả các khâu.

Riêng ở khâu coi thi, chúng tôi sẽ có một số điều chỉnh. Thứ nhất là việc sắp xếp phòng thi. Đối với thí sinh tự do thì mỗi hội đồng thi sẽ chọn một số điểm thi và đặc biệt là trong việc sắp xếp phòng thi thì thí sinh tự do, thí sinh giáo dục thường xuyên cũng giống như thí sinh học sinh lớp 12 trung học phổ thông được ngồi cùng với nhau theo vần A, B, C.

Tiếp tục tăng cường việc cán bộ giám sát các phòng thi và đặc biệt là khâu thanh tra quá trình coi thi sẽ được tiến hành một cách bài bản, kỹ lưỡng hơn. Trong việc niêm phong túi đựng bài thi, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện hơn đó là ngoài việc sử dụng tem niêm phong dùng một lần như năm ngoái thì năm nay quy định kỹ hơn nữa là sau khi đã dán tem niêm phong thì sẽ dùng băng dính trong quấn một vòng xung quanh túi đựng bài thi, đè lên tem niêm phong đó để bảo đảm chắc chắn rằng mọi thao tác can thiệp lên tem niêm phong này sẽ bị phát hiện.

PV: Vậy những thay đổi trong kỳ thi này liệu có ảnh hưởng đến quá trình ôn tập của học sinh cũng như quá trình dạy của các trường phổ thông không thưa ông?

Ông Mai Văn Trinh: Năm nay thấy rất rõ là những điều chỉnh thay đổi này chủ yếu liên quan đến vấn đề kỹ thuật và liên quan đến những cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức kỳ thi này.

Về phía học sinh thì không có thay đổi gì nhiều. Chỉ có một thay đổi nhưng theo hướng thuận lợi cho học sinh trung học phổ thông đó là năm nay đề thi có nội dung nằm trong chương trình trung học phổ thông chủ yếu là lớp 12. Năm nay các em đã có được đề tham khảo sớm, là cơ sở rất đáng tin cậy để các nhà trường tổ chức dạy học và ôn tập. Như thế các em học sinh vững tâm, không xao động, không lo lắng nhiều tập trung vào học và ôn tập thật tốt để hướng tới đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tới đây.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!.

Theo VOV