Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng Trọt: Tuyên truyền mạnh hơn

Ông Lê Thanh Tùng

Trong những tháng cuối của năm 2018 giá trị xuất khẩu trái cây của ta vào những thị trường khó tính có tăng mạnh, một số thị trường còn tăng gấp đôi so với năm 2017. Đây là một tín hiệu rất tốt về trái cây Việt Nam là có thể đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, VSATTP hay các tiêu chuẩn quy chuẩn của các thị trường khó tính. Điều này chứng tỏ Việt Nam có triển vọng mở rộng xuất khẩu trái cây không chỉ vào thị trường bình thường mà còn đáp ứng được cả thị trường khó tính về cả chủng loại, số lượng trong thới gian tới.

Khi xuất khẩu các mặt hàng trái cây vào các thị trường khó tính, yêu cầu sẽ nghiêm ngặt hơn. Điều này buộc chúng ta phải mở rộng nhận thức của bà con nông dân. Trước tiên các tổ hợp tác, HTX phải mạnh mẽ hơn nữa, cần đẩy mạnh tuyên truyền về những tiêu chí, hạng mục mà các quốc gia nhập khẩu yêu cầu, cũng như về VSATTP… Do vậy, ý thức của bà con nông dân cần được nâng cao. Các cơ quan kỹ thuật sẽ hỗ trợ tăng cường các buổi tập huấn chuyên sâu cho bà con nông dân để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Các yêu cầu nghiêm ngặt của các quốc gia nhập khẩu cũng cần phải được phổ biến cho người dân nắm được để cùng nhau thực hiện tốt.

Trái cây nhiệt đới là lợi thế lớn của Việt Nam (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Song song đó thì chúng ta hình thành vùng nguyên liệu và gắn với dự tính, dự báo khả năng cung ứng cho vùng nguyên liệu này ở các thời điểm trong năm về số lượng, chất lượng, sản lượng, giống cây… để các doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn và liên kết cũng như chúng ta có thể loại trừ trước khả năng bị thừa hàng. Điều này còn liên quan đến việc tổ chức rải vụ bài bản hơn, tính toán với các vùng trồng trong nước; đồng thời phải so sánh với các quốc gia lân cận mà có những sản phẩm giống mình, để chúng ta có thể đưa ra được sản phẩm ở một thời điểm thích hợp và cho giá trị cao nhất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Hiện nay, Viện CĂQ Miền Nam đã có nhiều giống xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long… mới, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Việt Nam, đồng thời gia tăng được chất lượng, thẩm mĩ theo thị hiếu của người tiêu dùng ở các quốc gia. Ngoài ra, nhiều viện nghiên cứu khác trên cả nước cũng có nhiều giống cây tốt và hầu hết đều đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Vấn đề ở chỗ là chúng ta phải tổ chức sản xuất như thế nào để vùng nguyên liệu phát triển nhanh hơn và ổn định hơn. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Cty T&T: Tiềm năng xuất khẩu trái cây vẫn rất lớn

Ông Nguyễn Đình Tùng

Việc xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính trong 3 năm qua, từ 2016 - 2018 đều có mức tăng trưởng rất tốt. Theo tôi, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu trái cây trong năm 2019 vẫn còn rất lớn vì hiện nay các thị trường khó tính mới chỉ chiếm một thị phần khá khiêm tốn, và chưa khai thác được hết. Điều đáng chú ý là các DN chuyên xuất khẩu vào các thị trường khó tính hiện đã có sự chuẩn bị rất cao và ngày càng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, sắp tới chúng ta sẽ được phép xuất thêm một số loại trái cây mới vào một số thị trường khó tính. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính sẽ rất lạc quan.

Mỗi quốc gia đều có những rào cản kỹ thuật nhất định. Như để xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, thì cần phải có mã số vùng trồng, mã số nhà máy đóng gói, nhà máy chiếu xạ... Vì vậy, để vào được các thị trường khó tính, các DN phải đặc biệt quan tâm tới những quy định của từng thị trường. Chỉ tiêu cao nhất là các sản phẩm trái cây của Việt Nam phải bảo đảm tuyệt đối về ATVSTP.

Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang từng bước quản lý được vùng trồng cũng như công nghệ bảo quản để có thể giúp đưa sản phẩm đi xuất xa hơn đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng thì mới thành công. Do vậy chúng tôi cũng đã có nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến cao cấp để bảo quản trái cây đạt chất lượng tốt khi tới tay người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã xây dựng được các nhà máy ở các vùng nguyên liệu, và có hệ thống kho sơ chế và xử lý chế biến riêng.

Công ty chúng tôi đang liên kết với rất nhiều HTX tại các vùng nguyên liệu, đồng thời công ty cũng liên kết cả với các viện, trường để hỗ trợ về kỹ thuật cũng như liên kết với các ngân hàng để hỗ trợ bà con nông dân được vay vốn sản xuất.

Theo NNVN