Như chính tác giả sau thời gian nghỉ hưu khá dài, đã cận kề tuổi “thất thập cổ lai hy” viết trong tản văn được lấy làm tiêu đề chung của cuốn sách thú vị, giá trị này rằng, đó chính là những “mảnh” của Hà Nội lấp lánh trong cuộc sống thường ngày, trên khắp mọi miền đất nước, mà từ “quãng năm 1975, lần đầu tiên tôi cảm nhận về việc đâu đó trên mọi miền đất nước có những “mảnh” của Hà Nội lấp lánh…”.
Quả thực, nhẩn nha đọc chậm, đọc kỹ hết các truyện ngắn, tản văn trong “Những mảy vàng lấp lánh” (Nhà xuất bản Văn học, quý 1-2019), bạn có thể dễ thấy một Hà Nội đời thường, giản dị, chân tình, ấm áp, thân quen, kiêu kỳ, riêng có, trải dài rộng theo chiều kích thời gian, không gian, bao trùm nhiều lĩnh vực thiết thân với mọi cư dân Thủ đô chính hiệu hay “khách” nhập cư, cũng như những du khách từng đến thăm Hà Nội, thậm chí chỉ nghe, đọc qua những bài hát, bài báo, câu chuyện về Thủ đô Hà Nội vang vọng khắp non sông…
Nhà báo Tạ Việt Anh (bên trái) tặng tác phẩm cho bạn bè
Sinh ra tại Hà Nội, gắn bó với Thủ đô từ thuở lọt lòng rồi ở cái tuổi đẹp nhất đời người đã sớm gác bút nghiên lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc rồi trở về theo học, đeo đuổi nghiệp văn chương, báo chí; thế nên những trang viết của nhà báo Tạ Việt Anh thấm đẫm, sâu nặng tình yêu đầy trách nhiệm với Hà Nội, dù là qua những chi tiết, câu chuyện hết sức quen thuộc, giản dị, gần gũi về muôn mặt phố phường, cuộc sống của một Hà Nội mến thương. Như chính ông bộc bạch rằng: “Ngót 40 năm làm nghề không nhớ hết những gì mình viết ra. Chỉ nhớ rằng, rất nhiều điều, chỉ viết ra bởi trách nhiệm. Và cũng vì cái gọi là trách nhiệm mà nhiều khi không thể viết ra những điều trăn trở trong lòng. Những điều muốn viết, có thể viết, may mắn thay đã như cái neo giữ mình lại với nghề. Trong đó có những cảm nhận, tình yêu Hà Nội”…
Quả có thế thật. Dù là truyện ngắn hay tản văn, lối viết của nhà báo Tạ Việt Anh luôn toát lên sự gần gũi, bình dị, chân chất, bộc trực nhưng không kém phần tinh tế, ý nhị, giàu tính nhân văn, thời cuộc liên quan đến Hà Nội rộng rãi, sâu sắc bối cảnh, nội dung... Thế nên nhiều câu chuyện, chi tiết, nhân vật, thông điệp từ những năm 70 của thế kỷ trước vẫn thời sự cho đến bây giờ, thậm chí sẽ còn rất lâu về sau nữa. Ví như cuộc đời, số phận ngang trái của chàng trai Toản (Nhành thúy cúc) với kết cục trĩu nặng nghĩ suy về mối tình đắng cay của một chàng trai tử tế, trọng nghĩa, vẹn tình, nhưng dang dở đầy trăn trở…
Và không chỉ Toản, không chỉ những nhân vật có tên tuổi thật, có đời sống thật, có những bối cảnh đủ đầy với trọn vẹn những câu chuyện về đời mình, đời người, về cuộc sống xung quanh mình trong cả 11 truyện ngắn còn lại đều chứa đựng nhiều nhân cách, hồn cốt, đậm chất Hà Nội như vậy, với các tiêu đề thật giản dị nhưng chất chứa nhiều thông điệp, như: Hoa thường hay héo, Kỷ niệm về mẹ, Ấm chè sen, Chiều cuối năm, Hương Thảo, Chuyện như chẳng có gì, Giấc mơ trở về…
Nhưng có lẽ, dễ đọc, dễ cảm, dễ thấu hơn là 29 tản văn về những lát cắt Hà Nội gắn với đậm sâu thăng trầm cuộc sống của tác giả. Dù đó là những nhận xét cụ thể, rõ ràng, sâu nặng, tinh tế, kiêu kỳ về muôn mặt phố phường Hà Nội qua các không gian, thời gian khác nhau, dù là tác giả nói về ẩm thực, thú chơi, nét đẹp, văn hóa, hay những kỷ niệm riêng có về người thân, về bạn bè, đồng đội, về Hà Nội mến thương, như: Chè chén bình dân bên hè phố, Cây sấu Hà Nội, Hà Nội và hoa, Ngọn thơm làng Láng, Bia hơi Hà Nội bây giờ, Nhớ tiếng leng keng tàu sớm khuya, Ngõ nhỏ lối xưa hồn thu thảo, Thu Hà Nội, Thú chơi đào muộn, Nhịp xuân phố cổ, “Sen tàn cúc lại nở hoa”, Quà sáng không chỉ riêng phở, Dòng sông hoa, Hoa đồng nội trong phố, Nghĩ từ một nét đẹp ngày xuân, Xúc cảm tháng Tư, Lứa chúng tôi ngày ấy, Tết Quý Sửu năm ấy, Về Quảng Trị…
Gấp lại cuốn sách, có thể nhận thấy rõ ràng rằng, vì là những “mảnh” lấp lánh khá dài, rộng cả về không gian lẫn thời gian, nên có thể không cần đọc liền tù tì một mạch hết cuốn sách, bạn vẫn có thể cảm nhận được một Hà Nội lấp lánh sắc màu, phong vị, giá trị, nhân văn, thời cuộc ẩn sâu trong tiềm tàng, ngồn ngộn, bộn bề những chi tiết, câu chuyện giản dị, đời thường, sâu lắng mà dễ thấy, dễ hiểu, dễ mến yêu, dễ ngẫm suy, trở trăn... Đó quả thực là “những mảy vàng lấp lánh” về một Hà Nội dài rộng theo thời gian, đằm sâu lớp lang nỗi nhớ, kỷ niệm… gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Tạ Việt Anh - người “chép sử” về một thời Hà Nội mà ông chứng kiến – thật đáng trân quý...
Bài, ảnh: Dũng Minh