Các địa phương ra quân trồng cây đầu năm mới

Khởi động mùa trồng cây, trồng rừng mới, những ngày đầu xuân, toàn tỉnh phát động lễ Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ với sự tham gia hưởng ứng của đông đảo cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân và các đơn vị quản lý bảo vệ rừng, chủ rừng.

Để tạo diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp như chủ trương xây dựng Thừa Thiên Huế "sáng- xanh-sạch, không rác thải", các địa phương đã phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia giữ gìn vệ sinh đường phố, các khu đô thị, khu dân cư, trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học..., nhất là lồng ghép duy trì thực hiện "Ngày Chủ nhật xanh", chăm sóc và trồng mới cây xanh, đẩy mạnh các cuộc vận động về bảo vệ môi trường trong Nhân dân. Thông qua những hoạt động này, các đơn vị, địa phương đã xây dựng các tuyến phố kiểu mẫu xanh, sạch, đẹp. Nhiều hệ thống cây xanh, cây cảnh ở nhà dân, các trục đường, công viên, khu công nghiệp, khu dân cư, vùng gò đồi, ven biển... được trồng đã tạo cảnh quan thiên nhiên ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Bình quân hằng năm, toàn tỉnh trồng mới từ 4.500- 5.000 ha rừng trồng và 0,5-1 triệu cây phân tán. Nhờ đó, mật độ cây xanh khu vực đô thị tăng cao và tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 57,3%, đạt tỷ lệ cao so với mặt bằng chung cả nước.

Có thể thấy, phong trào trồng cây, gây rừng đã được người dân tích cực hưởng ứng trong suốt nhiều năm qua, trong đó tập trung trồng cây phân tán, rừng trồng kinh tế, rừng ngập mặn và đầu tư phát triển diện tích rừng trồng gỗ lớn, đem lại hiệu quả to lớn về kinh tế, môi trường và xã hội. Thông qua các chương trình, dự án về phát triển lâm nghiệp, ứng phó với BĐKH, người dân ở các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt đã thực hiện các mô hình trồng cây bảo vệ nhà cửa, đường sá.

Nhiều hộ gia đình ở các xã vùng ven biển, đầm phá của TX. Hương Trà, các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền... đã áp dụng mô hình trồng hàng rào cây xanh như dương liễu, hóp, cây tra, dứa quanh vườn, hai bên đường đi, vành đai dân cư... để bảo vệ nhà, làm hàng rào, tạo bóng mát, chắn gió, chống sạt lở rất hữu hiệu. Những loại cây này dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất, giống bản địa, chi phí giống thấp, nên diện tích các vùng trồng ngày càng được mở rộng ở nhiều nơi như xã Hải Dương (Hương Trà), Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Phong Hải, Phong Chương (Phong Điền), Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Vinh Hải (Phú Lộc), Vinh Xuân, Vinh Thanh (Phú Vang)...

Không chỉ tập trung trồng cây thân gỗ, cây bóng mát, những năm qua, ngư dân các vùng đầm phá, ven biển đã chú trọng phục hồi, trồng mới các hệ sinh thái cỏ biển, thảm thực vật ở vùng cồn nổi, cồn chìm, các cây ngập nước ven bờ, các bờ lùm bụi tự nhiên. Nhờ mở rộng hệ rừng cây ngập mặn, bán ngập mặn, cây thủy sinh đã giúp làm sạch môi trường, tạo nơi trú ẩn cho tôm cá, bổ sung nguồn giống thủy sản.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên