Nhiều khu du lịch ở Đông Nam Á sẽ tăng giá dịch vụ. Ảnh: HIFFPOST

Vấn đề được thể hiện rõ nhất khi lần đầu tiên sau 7 năm, Wat Pho – một ngôi chùa nổi tiếng ở Bangkok (Thái Lan) - nơi luôn tiếp đón hơn 3 triệu lượt khách mỗi năm đã tăng gấp đôi giá vé vào cổng lên thành 200 bath (tương ứng với khoảng 6.39 USD). Giá vé mới chính thức được áp dụng vào tháng 1/2019. Ngoài ra, vào năm 2017, giá vé vào cổng tại đền Angkor Wat (Campuchia) cũng chứng kiến mức tăng lên đến 85% và chạm mốc 37 USD. Không chỉ riêng hai nước này, một số quốc gia khác, đơn cử là Indonesia, các quan chức cũng đang trong giai đoạn tiến hành đàm phán, bàn bạc về việc tăng giá vé vào cổng của công viên quốc gia Komodo đối với du khách nước ngoài lên thành 500USD – tăng cao gấp 50 lần so với giá trị hiện tại.

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Mặc dù động thái tăng giá tại các điểm đến du lịch được triển khai nhằm mục tiêu chính là phát triển bền vững ngành du lịch của đất nước, song chính sách này vẫn vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, cũng như mối lo ngại của một số cá nhân, tập thể hoạt động trong cùng lĩnh vực với lý do có thể việc tăng giá sẽ đẩy du khách ra xa.

Được biết, những lo ngại xuất phát từ việc du lịch là ngành công nghiệp chủ chốt của các nước trong khu vực Đông Nam Á, chiếm trung bình khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội của các quốc gia lớn trong khu vực. Thậm chí ở Thái Lan, con số ghi nhận thậm chí còn đạt mức 20%.

Đông Nam Á có rất nhiều lợi thế thu hút khách du lịch toàn cầu. Nhờ vào sự đa dạng trong văn hóa, phong cách sống, cộng với giá cả tương đối phải chăng, cảnh quan địa lý tuyệt đẹp, tất cả những yếu tố này khiến khu vực trở thành một trong những điểm đến yêu thích của rất nhiều khách du lịch. Nhìn về quá khứ, theo báo cáo được thực hiện và công bố bởi Tổ chức Du lịch thế giới của Liên Hiệp quốc (UNWTO) trong quý I/2018, Đông Nám Á đã chứng kiến lượng du khách tăng đến 9,4%, đây là con số lớn nhất, vượt xa các khu vực khác trên thế giới. Trước đó, số lượng du khách đến 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là khoảng 125 triệu người trong năm 2017, chiếm gần 10% số lượng du khách trên toàn cầu. Sự tăng trưởng và phát triển này được thúc đẩy bởi đa phần các dòng khách từ Nhật Bản, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Đối với những số liệu đáng ghi nhận, vào năm 2017, Thái Lan tiếp đón lượng khách du lịch nước ngoài cao kỷ lục, đạt mức 35 triệu người. Tại thời điểm đó, đất nước này cũng xếp thứ tư trong danh sách những quốc gia thu lời nhiều nhất từ du lịch với khoảng 81 triệu USD, xếp sau Mỹ với khoảng 299 tỷ USD, Tây Ban Nha 96 tỷ USD và Pháp 86 tỷ USD.

“Trong bối cảnh du lịch đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nhiều nước trên thế giới, nhất là khi du lịch chiếm 1 trong 11 việc làm và 10% GDP thế giới, nếu được quản lý tốt, du lịch hoàn toàn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, cũng như thúc đẩy xã hội phát triển và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa”, Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nhấn mạnh.

Trang trải chi phí môi trường

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trong khu vực vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng đủ để tiếp đón một lượng lớn du khách. Đồng thời, chính phủ các nước và các ban, ngành liên quan cũng đang phải đấu tranh, vật lộn để giải quyết tác hại do du lịch để lại cho môi trường địa phương. Đây có thể coi là lý do chính khiến các điểm đến du lịch ở Đông Nam Á tăng giá để trang trải chi phí bảo vệ môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng, từng bước củng cố và phát triển du lịch bền vững tại từng quốc gia.

Giải thích cho động thái tăng giá vé vào cổng của công viên quốc gia Komodo, Thống đốc tỉnh East Nusa Tenggara (Indonesia) cho rằng, giá vé hiện tại – vào khoảng 10 USD là quá thấp đối với một điểm đến mang tầm quốc tế. Với hệ thống các điểm thăm quan phong phú như khu thiên nhiên của loài rồng Komodo và bãi biển cát hồng nổi tiếng, đây là điểm đến yêu thích của rất nhiều du khách châu Âu và Mỹ.

Nhìn chung, việc tăng giá mạnh có thể sẽ gây ra một số tác động tiêu cực, khiến giảm lượng khách chọn Đông Nam Á làm điểm đến – nơi nổi tiếng với du lịch giá cả phải chăng. Riêng với Việt Nam, kế hoạch tăng giá dịch vụ lên khoảng 85% đối với các tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, di sản thế giới, điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách đã được đặt ra dù bước đầu chưa nhận được sự đồng thuận của ngành du lịch địa phương.

HẠNH NHI

(Tổng hợp từ Nikkei News, The ASEAN Post, SEA Globe & CNA)