Một bé gái được tiêm vắc-xin quai bị, sởi và rubella (MMR) tại quận Obolon, thủ đô Kiev, Ukraine. Ảnh: UNICEF
Lời kêu gọi đến các quốc gia thành viên nhằm thu hẹp khoảng cách trong phạm vi bao phủ vắc-xin được đưa ra sau khi thông tin được công bố trước đó cho rằng, ước tính 110.000 người đã tử vong vì căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao nhưng dễ phòng ngừa này trong năm 2017.
“Đó là trách nhiệm của mọi người. Đối với một người bị nhiễm bệnh, có đến 9 hoặc 10 người có thể lây nhiễm loại virus này”, bà Katherine O’Brien, Giám đốc phụ trách chủng ngừa, vắc-xin và chế phẩm sinh học tại WHO nhận định.
Ngoài việc có khả năng gây tử vong, những triệu chứng bệnh sởi bao gồm phát ban, mù loà và viêm não. Virus có thể lây truyền cực kỳ dễ dàng thông qua ho và hắt hơi, và nó cũng có thể tồn tại hàng giờ đồng hồ trong một giọt nước.
Bà Katherine O’Brien lưu ý, tuy nhiên kể từ năm 2000, số ca tử vong do bệnh sởi giảm hơn 80%, “cứu sống khoảng 21 triệu người” trong thời kỳ này.
Gánh nặng bệnh tật gần gấp đôi trong năm 2018
Cảnh báo của WHO được đưa ra sau khi cơ quan này tuyên bố rằng, tính đến giữa tháng 1 năm nay, có 229.068 trường hợp mắc bệnh sởi được báo cáo trong năm 2018 tại 183 quốc gia thành viên của WHO.
Con số này gần gấp đôi so với 115.117 trường hợp được báo cáo vào cùng thời điểm hồi năm ngoái, và mối quan tâm của WHO dựa trên thực tế là số ca nhiễm cuối cùng đã tăng lên tới 173.330 ca.
“Do việc báo cáo chậm trễ và những đợt bùng phát dịch trong năm 2018, chúng tôi dự đoán những con số này sẽ tăng lên, như đã xảy ra trong những năm trước đây”, WHO cho biết trong một tuyên bố.
“Tăng ở tất cả các khu vực”
Tính theo khu vực trong năm 2018, châu Phi đã chứng kiến 33.879 ca nhiễm sởi; trong số này, chỉ riêng ở Madagascar đã có đến 4.391 ca, nơi có 922 trường hợp tử vong được báo cáo trong một đợt bùng phát dịch đang diễn ra, bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái.
Trong khi đó, châu Mỹ ghi nhận gần 17.000 trường hợp mắc bệnh sởi trong năm 2018. Tại khu vực châu Âu, có 82.596 ca nhiễm sởi ở 47 trên 53 quốc gia; tiếp đó là khu vực Đông Nam Á (73.133 ca) và Tây Thái Bình Dương (23.607 ca).
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và loại bỏ bệnh sởi, WHO kêu gọi các quốc gia duy trì bao phủ chủng ngừa cao với 2 liều vắc-xin sởi, đã được áp dụng cho “hàng tỷ” trẻ em, bà Katherine O’Brien nói thêm.
Được biết, trước khi vắc-xin sởi được đưa ra vào năm 1963, những đợt bùng phát và dịch bệnh xảy ra vào mỗi 2-3 năm, gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong mỗi năm.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN News & Devdiscourse)