Đại tá Trần Lựu với hồi ức lịch sử

Những tấm gương anh dũng

Thời điểm năm 1984, khi còn là học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi được nhà trường đưa đi thực tập tham gia chiến đấu tại xã Bản Lầu, huyện Bảo Thắng, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai). Đây là địa bàn giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với biên giới là sông Nậm Thi.

Tại đây, tôi có dịp được nghe nhiều câu chuyện kể về sự anh dũng của quân và dân ta trong suốt thời kỳ chiến tranh căng thẳng, khốc liệt để bảo vệ Tổ quốc. Tại nông trường Mường Khương (huyện Mường Khương, Lào Cai), tôi đặt chân lên hang Cốc Phương, địa điểm nổi tiếng nơi lực lượng nữ tự vệ của nông trường đã chống trả quyết liệt khi quân Trung Quốc tiến đánh. Sau khi bị vây hãm trong hang, các chị quyết định tự sát để tránh lọt vào tay địch.

Hay tại xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định (Lạng Sơn), dân quân và nhân dân địa phương đã rút vào các thung lũng độc đạo như: lũng Toòng, lũng Pán... để cố thủ trước sự tiến công ồ ạt của quân Trung Quốc. Trong suốt khoảng thời gian ác liệt đó, người dân tại đây vẫn quyết bám trụ và chống trả, nhiều lần ngăn bước tiến của quân địch bằng các điểm chốt canh gác tại đường độc đạo.

Quyết tâm bám trụ

Lần thứ hai đặt chân đến vùng biên giới “đỏ lửa” vào tháng 8/1985, lúc đó tôi đã tốt nghiệp và được giữ lại trường giảng dạy. Như truyền thống, các giáo viên đều được kinh qua chiến trường thực tế để tích lũy kinh nghiệm.

Với vai trò là Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 199, Sư đoàn 347, tôi đã cùng anh em trong đơn vị bám trụ tại điểm cao 636 tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn). Điểm chốt quân ta chỉ cách điểm chốt của địch khoảng 700m, nằm ở hai quả đồi trên cùng một dãy núi.

Ngày 10/1/1986, tôi vẫn nhớ như in thời điểm 8 giờ sáng, khi quân Trung Quốc đồng loạt nã pháo dồn dập vào điểm chốt, ước chừng mỗi m2 phải hứng chịu từ 3 - 5 quả đạn pháo. Không ít đồng đội đã ngã xuống. Bản thân tôi cũng mất toàn bộ quân, tư trang, giấy tờ tùy thân do sập hầm và suýt hy sinh do bị địch bắn tỉa.

Bám trụ tại các điểm chốt, anh em chiến sĩ luôn trong tình trạng cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bởi địch có thể tổ chức nã pháo hoặc đột nhập vào hầm bất cứ lúc nào. Toàn bộ sinh hoạt của quân ta luôn diễn ra dưới hầm để tránh pháo kích, cộng thêm khí hậu khắc nghiệt nơi biên thùy có những lúc rét buốt thấu xương đến âm độ C khiến cuộc sống tại điểm chốt luôn trong tình trạng căng thẳng cực độ.

Sống và chiến đấu trong môi trường khép kín, ít tiếp xúc với bên ngoài, lại ăn uống kham khổ thật sự là áp lực lớn với những người trẻ chỉ mới đôi mươi. Khó khăn là vậy, nhưng anh em chiến sĩ đã nhanh chóng thích nghi với môi trường, sớm ổn định tâm lý để hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững điểm chốt, bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc.

MINH NGUYÊN

(Theo lời kể của Đại tá Trần Lựu, Hiệu trưởng Trường Quân sự tỉnh)