Điện Kiến Trung nằm trong Tử Cấm Thành (Đại Nội) và là công trình đặc biệt quan trọng trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế. Công trình là kết tinh của dòng kiến trúc tân cổ điển thời vua Khải Định, mang phong cách kiến trúc phương Tây nhưng sử dụng hình thức trang trí của văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện (thứ ba từ phải sang) tham gia lễ khởi công
Điện Kiến Trung gắn liền với dấu ấn của các vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn, gồm vua Khải Định và vua Bảo Đại. Đồng thời, là nơi chứng kiến cuộc thương thảo lịch sử giữa chính quyền cách mạng lâm thời Việt Nam năm 1945 với hoàng đế Bảo Đại. Dẫn đến việc vị vua này thống nhất “nhường ngôi” cho Việt Minh, trao trả ấn kiếm và tình nguyện “Thà làm dân một nước độc lập, còn hơn làm vua một nước nô lệ”.
Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 25 năm qua, kể từ khi Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, điện Kiến Trung là công trình có quy mô lớn nhất được nghiên cứu phục hồi. Việc trùng tu khôi phục Kiến Trung có ý nghĩa rất lớn, khẳng định năng lực của Thừa Thiên Huế trong trung tu, bảo tồn di sản của kiến trúc cung đình Huế. Đồng thời, mở ra những triển vọng mới trong việc phục hồi những công trình kiến trúc quan trọng nhất của Quần thể di tích Cố đô Huế đã bị hủy hoại trong lịch sử.
Kinh phí để tu bổ phục hồi điện Kiến Trung khoảng 123 tỷ đồng, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và các nguồn hợp pháp khác. Dự kiến sau 5 năm, công trình sẽ được hoàn thiện tổng thể, từ kiến trúc đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh.
Tin, ảnh: Đồng Văn