Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, chú trọng phát triển nông lâm nghiệp là biện pháp cấp bách cần được triển khai. Ảnh: Our World

Trong bối cảnh mối quan tâm toàn cầu đang ngày càng tăng về canh tác hóa học gây phá hủy đất, đe dọa sức khỏe con người, ảnh hưởng đến nguồn nước và môi trường tự nhiên, Philippines và các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tập trung thúc đẩy nông lâm nghiệp như một cách để tăng nguồn cung lương thực.

Nông lâm nghiệp là sự kết hợp sử dụng đất bền vững để sản xuất cây trồng, cây lương thực, đồng thời kết hợp với chăn nuôi để bổ sung cho nhau về phân bón, tạo ra đa dạng hơn, năng suất hơn, lợi nhuận hơn, sinh thái và bền vững các hệ thống sử dụng đất. Từ lâu, hệ thống canh tác này được nhận định là cực kỳ thân thiện với đất, nước, sinh vật.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của ngành này, nhiều tổ chức đã và đang tiến hành nghiên cứu và triển khai rất nhiều kế hoạch nhằm phát triển bền vững nông lâm nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ở Đông Nam Á, Chương trình khu vực Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Thế giới (ICRAF-SEA) và Hiệp hội các trường Cao đẳng và Đại học Nông nghiệp châu Á (AAACU) đang nỗ lực mở rộng các chiến lược về nông lâm nghiệp như một biện pháp để tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và nhiều cú shock khác. Theo đó, hai tổ chức sẽ làm việc và hỗ trợ hết mình cho các chính phủ, cộng đồng, tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân ở Campuchia, Indonesia, CHDCND Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, cùng nhiều quốc gia thành viên ASEAN và các nước láng giềng khác. Trong đó, nhiệm vụ chính của hai tổ chức là thúc đẩy phát triển kỹ thuật nông lâm nghiệp để giảm thiểu tối đa khí thải nhà kính, bao gồm lên kế hoạch sử dụng đất nhằm giảm phát thải Cacbon Dioxit và phát triển các dịch vụ môi trường như phục hồi cảnh quan, cải thiện sinh kế và dịch vụ sinh thái.

Giới chuyên môn tin rằng khi biến đổi khí hậu xuất hiện, cần đảm bảo bảo tồn đa dạng sinh học trong lúc tiến hành giải quyết nghèo đói một cách hiệu quả với các mô hình cải cách xã hội triệt để. Giải thích sâu hơn về vấn đề này, Trung tâm CEC cho rằng nhiều hệ thống canh tác do phương Tây đề ra đang gây ra rất nhiều thiệt hại cho môi trường sống của Trái đất, dẫn đến tuyệt chủng của nhiều loài, xói mòn, suy thoái đất, ô nhiễm hóa hoặc và mất nước... Do đó, hiện CEC ủng hộ hình thức canh tác theo lối bản địa ngày xưa bằng cách kết hợp trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả.

Về khía cạnh đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững, các hệ thống nông lâm kết hợp có thể thuận lợi hơn các phương pháp sản xuất truyền thống nông nghiệp và lâm nghiệp, không chỉ cung cấp nguồn thức ăn đa dạng của con người, mà còn cho gia súc, phục vụ chăn nuôi, giúp đất phì nhiêu, màu mỡ một cách tự nhiên mà vẫn tiết kiệm đất, nước.

Nhìn chung, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát triển nông lâm nghiệp như một mô hình bảo tồn đa dạng sinh học trước sự thay đổi của khí hậu, cùng lúc vẫn duy trì năng suất nông nghiệp. Trong bối cảnh dân số châu Á – Thái Bình Dương tăng vọt và nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt nhanh chóng, thúc đẩy phát triển nông lâm nghiệp hiện được xem là kế hoạch cấp bách cần nhanh chóng triển khai.

Đan Lê (Lược dịch từ Eurasia Review)