Mấy mươi năm làm báo, tôi có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc được nhiều người. Quan hệ công việc có, quan hệ trở thành thân quen cũng có. Và hiểu ra được nhiều điều, trong đó có một việc, đó là cách thức sử dụng đồng tiền công, mà người ta thường gọi là ngân sách nhà nước.

Đã là của công là sở hữu chung. Nhưng quản lý, quyết định sử dụng thì không thể chung được mà do một người hoặc một nhóm người. Chính cái sở hữu chung và quyền lực riêng cho nên nó tạo ra kẽ hở cho thất thoát. Cũng xin nói thêm, nguồn lực công thì đất nước nào cũng có, nhưng ở nhiều nước nguồn lực công ít thất thoát là do cách thức quản lý hết sức chặt chẽ, minh bạch, dễ giám sát. Cho nên có thất thoát hay không thất thoát là do công tác quản lý, giám sát.

Ở ta thất thoát nhiều là do công tác quản lý, giám sát còn thiếu chặt chẽ.

Trong một dịp đi làm ký sự dài kỳ tại tỉnh Bình Phước, tôi có gặp rất nhiều người Huế là doanh nhân. Nếu nhìn độ giàu có của họ thì có thể gọi họ là người thành đạt. Người thì có cả một xưởng mộc dân dụng rộng mênh mông với hàng chục lò sấy để sấy gỗ cao su (loại gỗ cao su đã hết thời gian cho mủ, khai thác lấy gỗ để trồng thay thế). Người thì là một doanh nghiệp xây dựng thi công rất nhiều công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Khi làm việc xong, trong những cuộc "trà dư tửu hậu", tôi hỏi một doanh nhân xây dựng: làm các công trình như thế này có phải “chung chi gì không”? Anh cười cười và cho biết, nếu 7% thì làm, trên 7% thì thôi… Làm công trình nhà nước có cái sướng là định mức được cao hơn nhưng cái khổ là lấy tiền rất mệt mỏi. Câu chuyện “phần trăm thối lui” không biết nó thật đến mức nào nhưng chuyện thất thoát, chung chi, doanh nghiệp khó đòi được vốn nhà nước… thì chúng ta nghe đã nhiều.

Chẳng phải trên diễn đàn Quốc hội cách đây đã lâu có đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi có phải thất thoát trong xây dựng cơ bản là ba mươi phần trăm đó sao! Chương trình xây dựng nông thôn mới các địa phương trong cả nước nợ của doanh nghiệp cả hàng chục ngàn tỷ đồng. Gần đây là nhiều địa phương bán đất làm thất thoát của nhà nước cả hàng ngàn, chục ngàn tỷ đồng và không ít người phải vào tù ra tội…

Điều này rất khó chứng minh nhưng có vẻ như muốn làm cái gì từ đồng vốn ngân sách nhà nước cũng phải có “hoa hồng”. Từ những cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất. Phổ biến hay không thì không biết nhưng chuyện “thối lui” là có thật, như những ví dụ đã vừa nêu.

Chuyện % cứ tưởng bình thường nhưng chính nó lại gây ra nhiều tác hại.

Doanh nghiệp là “rường cột” của nền kinh tế. Điều quan trọng nhất là nó làm cho doanh nghiệp không lớn mạnh được. Muốn thực hiện một dịch vụ nào đó thì phải quen biết, dựa dẫm… mà các nhà kinh tế gọi là lợi ích nhóm, tư bản thân hữu. Nó chỉ sinh ra những doanh nghiệp “chạy chọt”. Đã như thế thì làm gì có động lực để hoàn thiện năng lực cạnh tranh, đó là chưa nói đến các dịch vụ, hoặc là bớt xén chất lượng, hoặc là giá cao hơn thị trường mới có khoản để “chung chi”.

Nó tạo nên động lực để cán bộ có chức quyền tha hóa. Làm công trình này, dịch vụ nọ, có phần trăm không?  Đạo đức xã hội tốt đẹp không thể xây dựng trên một nền tảng như thế này được mà nó càng kéo đạo đức xã hội đi thụt lùi. Ban đầu thì một người, một nhóm ít người, vì cái kiểu “chung chi phần trăm” để được làm công trình, thực hiện một dịch vụ công. Những người khác vì không thể cạnh tranh được nên buộc phải theo “cách thức vận hành” của những “doanh nghiệp đi trước”. Vậy là giống như một đầu tàu kéo cả toa tàu. Nhưng toa tàu kinh tế này đi đến chỗ không mấy tốt đẹp cho nền kinh tế.

Trong một nền kinh tế vận hành như vậy, cho nên chúng ta thấy, lâu lâu lại “tòi” lên một người vô danh tiểu tốt lại trở nên giàu có nhanh chóng. Đó chính là “doanh nghiệp sân sau” được dựng lên để thực hiện một dịch vụ công và cùng chia lợi ích…

Cách vận hành nền kinh tế như thế này, điều tai hại nhất là nó làm mất niềm tin của người dân. Rất có thể vì phần trăm cho nên họ quyết định thực hiện nhiều công trình, dịch vụ không cần thiết. Và điều này người dân nhìn thấy rất rõ. Vì sao xây dựng một cái chợ mà người dân không vào buôn bán. Vì sao người dân còn nghèo, thứ họ cần là đời sống vật chất thì lại đi xây dựng một nhà văn hóa to đến mức không cần thiết… Người dân sẽ nhìn vào những thứ cụ thể như vậy mà thiếu đi sự tin tưởng ở nơi chính quyền!

Để dẹp điều này không hề dễ, nhưng không phải không có cách làm. Cái cách thức quan trọng bậc nhất là minh bạch, minh bạch đến từng chi tiết. Minh bạch làm cho công tác giám sát trở nên dễ dàng hơn. Các ngành chức năng giám sát, người dân giám sát và công luận giám sát. Nhiều lực lượng giám sát như vậy thì ít ra chuyện cung cấp dịch vụ công không đi đôi với hiệu quả, chất lượng, giá cả hợp lý sẽ giảm đi rất nhiều.

Lê Phương