Mua vàng là một kênh đầu tư kinh doanh, tích trữ. Mua vàng cũng là thói quen, sở thích lâu đời của người Việt ta. Bây giờ thì thị trường mở ra nhiều kênh đầu tư, nhiều “vật ngang giá” có giá trị để tích trữ… chứ trước đây, vàng là một kênh tích trữ truyền thống. Họ bảo “giàu ngầm” chính là một cách nói chỉ người có vàng nhiều. Cũng có một thời gian dài, vàng là một loại “tiền tệ” dùng để thanh toán trong mua bán. Mua một chiếc xe máy giá được tính là mấy chỉ, mấy cây; mua một miếng đất, ngồi nhà cũng vậy, thanh toán bằng vàng, qui ra giá trị của vàng mà thanh toán.

Nhưng riêng ngày vía Thần tài là nhu cầu mua vàng tăng đột biến. Họ mua vàng trong ngày này là để cầu lộc cho cả năm. Ai quan tâm thì có thể tìm hiểu nhân vật Triệu Công Minh bên Trung Quốc để hiểu về tích ngày vía Thần tài. Ở Việt Nam ta chưa hẳn nhiều người đã biết tích này nhưng cứ nghe Thần tài, nhiều người cầu may theo thần tài thì mình cũng làm theo. Tính hợp lý của vấn đề là, vừa mua vàng như là một dạng tiết kiệm, lại còn, biết đâu sẽ gặp được may mắn… thế thì tại sao lại không làm !?

Xét về mặt kinh tế, khi cầu tăng, nếu cung không tăng kịp sẽ tạo ra sự khan hiếm tạm thời thì giá sẽ tăng. Ngày vía Thần tài ở Huế năm nay, giá vàng tăng khoảng 200 – 300 ngàn đồng một lượng, trên thị trường tự do, nhưng theo người viết bài này quan sát, cầu tăng là có, nhưng nguồn cung cũng rất rồi dào, không phải khan hiếm. Thế vì sao giá lại tăng ? Có thể nó nằm ở những lý do sau đây:

Giá vàng chỉ tăng cục bộ. Tức là chỉ ở một số thương hiệu vàng lớn. Người mua không phải là dân kinh doanh chuyên nghiệp mà chỉ mua là để cầu may, để tiết kiệm. Họ đã quen với những thương hiệu vàng nào đó từ nhiều năm nay, vả lại họ mua với số lượng ít, nên việc tăng từ không phẩy mấy đến chưa được một phần trăm không làm cho họ băn khoăn nhiều lắm. Có thể ban đầu từ những hiện tượng cục bộ như vậy sẽ loang ra trên diện rộng hơn và nó kết thúc việc tăng giá chỉ cũng trong một thời gian rất ngắn.

Các hiệu vàng, là những nhà kinh doanh chuyên nghiệp, họ đọc rất nhanh “tâm lý thị trường”. Ngày vía thần tài năm nào cầu cũng tăng, năm nay, có những thương hiệu vàng cho biết tăng từ 3 -5 lần so với năm ngoái. Người kinh doanh không bao giờ bỏ qua những cơ hội như vậy. Ngoài vàng chế tác bình thường, những thương hiệu lớn, có đội ngũ nhân công chế tác vàng lành nghề, họ còn chuẩn bị tung ra thị trường những sản phẩm độc đáo hơn, mang yếu tố “tín ngưỡng” nhiều hơn… Đây chính là yếu tố làm cho người mua có thể biết mình thiệt nhưng vẫn chấp nhận. Một vài người mua là không đáng kể nhưng nếu cộng lại hàng trăm, hàng ngàn… người mua, với một số lượng vàng được bán ra rất lớn thì sự thiệt hại của tổng người mua là không nhỏ. Tất nhiên cái thiệt của người mua sẽ chuyển thành cái lợi của người bán. Ở đây có một vấn đề khác, kinh doanh là phải nộp thuế, không biết các hiệu vàng lớn tăng doanh số bán đột biến có kê khai đầy đủ để nộp thuế cho nhà nước hay không? Nếu nhà nước không quản lý chặt chẽ điều này, rất có thể nhiều hiệu vàng không kê đủ doanh số. Và như thế, thuế sẽ bị thất thoát.

Không ai có thể ngăn cấm được “niềm tin” của người dân, dù đó là mơ hồ. Ngày Thần tài năm sau và có thể nhiều năm sau nữa, người mua vàng vẫn cứ đông lên. Không biết có ai đi cầu may mà chẳng gặp may trong cuộc sống không. Nhưng rõ ràng, xét về mặt giá cả, thì nhiều người đã không may. Sau ngày vía Thần tài, giá vàng đã hạ.

Bình Sơn