Theo số liệu của Cục Trồng trọt, tính đến cuối tháng 1/2019, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống vụ giống Đông Xuân 2018-2019 khoảng 1,550 triệu ha/1,560 triệu ha diện tích kế hoạch, thu hoạch khoảng 110 ngàn ha, năng suất 6,2 - 6,3 tấn/ha.
Vụ lúa Đông Xuân năng suất giảm, giá thấp
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 3 vụ lúa, trong đó vụ Đông Xuân là vụ lúa chính trong năm, người nông dân rất kỳ vọng vì thường có năng suất và giá bán tốt. Tuy nhiên, vụ Đông Xuân này hoàn toàn trái ngược, năng suất giảm, giá thành sản xuất cao do vật tư đầu vào tăng giá nhưng giá lúa lại rất thấp nhưng có ít thương lái tìm mua.
Nông dân Nguyễn Văn Thức, ở Thị trấn Sa Rày, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp vừa thu hoạch xong 4 ha lúa giống Đài Thơm 8 cho biết, năng suất vụ lúa này rất thấp, bình quân 5,5 tấn/ha. Năng suất thấp cộng với giá bán lúa thấp 4.700đ/kg, thấp hơn khoảng 1.000đ/kg so với vụ Đông Xuân trước. Năm nay coi như "tiền cũ đổi tiền mới".
Còn với những nông dân thuê đất trồng lúa thì bị lỗ tiền thuê đất. Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương Tp.Cần Thơ, để giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có vốn để tăng thu mua lúa cho nông dân, Sở đã đề nghị các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vay tín dụng mua lúa với lãi suất 6%/năm, so với mức lãi mà các ngân hàng này đang cho vay từ 6-8%/năm.
Tuy nhiên, các ngân hàng phải xin ý kiến từ Hội sở, hiện Sở Công Thương vẫn theo dõi vấn đề này. Trước tình hình ảm đạm của thị trường lúa gạo, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có cuộc họp để tìm đầu ra cho lúa Đông Xuân 2018 – 2019.
Ông Trương Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cố vấn Tập đoàn Golden Resources Development International LTd. H.K cho biết, tại cuộc họp vừa rồi với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có nhiều ý kiến đề nghị tạm trữ nhưng dưới hình thức không như trước và có thể sẽ phân chỉ tiêu cho các doanh nghiệp có tham gia xuất khẩu gạo.
"Sau khi thảo luận với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương, tôi đề nghị Chính phủ cho mua tạm trữ 500.000 tấn gạo, với hình thức phân bổ chỉ tiêu cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Họ được vay ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi từ 6% - 6,5%, không cấp lãi suất ưu đãi 100% như trước đây, vì như vậy rất khó quản lý và không hiệu quả. Đề nghị là vậy nhưng phải chờ quyết định của Thủ tướng chính phủ", ông Phong cho biết.
Nhu cầu nhập gạo của các thị trường
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường gạo xuất khẩu ghi nhận thông tin tốt từ Philippines do thể hiện tiềm năng tốt nhất, trong khi Malaysia, Nhật Bản mua thường xuyên và hy vọng Trung Quốc tích cực hơn.
Vừa qua, Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã thông qua 1,186 triệu tấn hạn ngạch nhập khẩu gạo dành cho khoảng 180 công ty tư nhân, nhập khẩu các loại gạo 5% và 25% tấm. Dự kiến số công ty xin hạn ngạch nhập khẩu gạo sẽ còn tăng thêm. Gạo nhập khẩu thông qua hạn ngạch này sẽ chịu thuế 35% đối với các nguồn cung khu vực Đông Nam Á và 50% cho các nước còn lại.
Tin tức này có lợi cho Việt Nam và Thái Lan, với giá gạo hiện nay của Việt Nam đang cạnh tranh nhất, dù cũng mở ra cơ hội cho gạo Campuchia. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines trên 1 triệu tấn gạo, chiếm 13% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Hiện Trung Quốc đang kiểm tra lại các đầu mối xuất khẩu gạo ở Việt Nam, có khả năng họ sẽ thu hẹp các đầu mối giống như đã làm với Thái Lan. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,32 triệu tấn gạo, chiếm 23% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 42,36% so với năm 2017. Từ đầu năm đến nay hầu như chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào ký bán gạo vào thị trường Trung Quốc và họ vẫn đang tìm kiếm các hợp đồng từ thị trường này.
Tại thị trường trong nước, Vinafood 2 vừa thắng thầu 50.000 tấn gạo bán cho Malaysia, giao hàng trong tháng 3/2019. Tuy nhiên, thông tin này vẫn không kích thích được giá lúa trong nước. Dự báo thị trường tiếp tục đối mặt với nhu cầu ảm đạm, do nguồn cung nhiều gây áp lực bất chấp thông tin về tiềm năng mới của Philippines.
Theo VnEconomy