Sản xuất vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế ASEAN. Ảnh: The ASEAN Post

Một yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu trong lĩnh vực này là số lượng người tiêu dùng lớn mạnh khoảng 640 triệu người, với phân khúc thu nhập trung bình ngày càng tăng. Mức thu nhập tăng kích thích thay đổi thị hiếu tiêu dùng cũng đóng vai trò rất lớn vào đà phát triển của ngành. Bên cạnh đó, các nền kinh tế trong khu vực có chi phí hoạt động sản xuất tương đối thấp nên đây cũng là một trong những nhân tố thu hút nhiều doanh nghiệp lớn.

Trong thời gian gần đây, mức lương chi trả tăng cao và khung quy định thắt chặt đã dẫn đến tình trạng buộc Trung Quốc phải tăng giá hoạt động khi nước này chuyển sang hình thức sản xuất với giá trị cao hơn. Để thay thế vai trò của Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp, công ty đã tìm đến thị trường ASEAN để tiếp cận mạng lưới sản xuất giá cả phải chăng, đã được tích hợp vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Quan trọng không kém, việc ASEAN tham gia nhiều hơn vào các thỏa thuận đã từng bước củng cố vị thế của một trung tâm sản xuất toàn cầu. Đơn cử, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cho thấy ASEAN là thị trường và cũng là nền tảng sản xuất duy nhất. Cùng lúc đó, các thỏa thuận thương mại lớn như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nếu thành công, đây sẽ là một bước tiến vô cùng có ý nghĩa hướng tới mục tiêu Khu vực Thương mại Tự do châu Á- Thái Bình Dương (FTAAP).

Trong bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi lớn mạnh với hỗ trợ của công nghệ cao, cơ hội phát triển của nhiều ngành, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất ôtô đang rất khả quan. Được biết, ngành công nghiệp sản xuất ôtô là hạng mục sản xuất lớn thứ năm về số lượng sản phẩm được xuất khẩu từ ASEAN, trong đó lượng xuất khẩu phần lớn là phương tiện đi lại, phụ tùng và linh kiện với tổng trị giá 42.5 tỷ USD vào năm 2016.

Theo một báo cáo gần đây nhất, với nhu cầu tiêu dùng nội địa về xe chở khách và xe thương mại tăng cao, đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lần lượt khoảng 4,2% và 3,9% trong giai đoạn từ năm 2016 – 2022, nhiều khả năng ngành công nghiệp này sẽ tăng trưởng thêm 23%, lên thành 77 tỷ USD vào năm 2020....

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, một điểm yếu trong ngành sản xuất của ASEAN có thể nói đến là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Song theo nhận định của các chuyên gia, ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại này đang bị đẩy lên quá đà.

Đến nay, sản xuất vẫn đóng vai trò là lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế ASEAN. Bất chấp việc nhiều chuyên gia trong ngành vẫn bày tỏ nhiều lo ngại và cảnh giác cao với tác động từ căng thẳng thương mại, song những cơ hội sắp tới sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực trong chiến lược dài hơi sau này.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ The ASEAN Post)