Hành trình dài

Suốt 9 năm ròng rã trồng tại vườn nhà, người đàn ông 42 tuổi đã tự đúc kết những kinh nghiệm quý báu. Anh nói: “Mỗi mùa qua đi, tôi tìm cho mình những kiến thức về cây. Hôm nay có thể là nấm, ngày mai lại là sâu bọ. Cứ từng ngày chắt chiu như thế, trải qua  9 năm tôi mới đủ tự tin vào bản thân mình”.

Anh Nguyễn Văn Công pha chế nước atiso đỏ

Đối với atiso đỏ, việc chăm sóc không quá phức tạp, thế nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác. Anh Công nói: “Cây ưa nắng ấm, mà khí hậu ở Huế thì khá thất thường. Vì thế, tôi phải trồng đi trồng lại, xem ngày nào ươm cây là thích hợp nhất”. Dù kỳ công song chỉ cần chệch một vài ngày, hoặc thời tiết “trở chứng” thì cũng rất khó khăn. Để đảm bảo chất lượng, atiso đỏ không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là loài cây phục vụ cho sức khỏe con người, và mang cả dược tính. Lương tâm không cho phép Nguyễn Văn Công sử dụng các loại thuốc ấy.

Giữ cho cây phát triển tốt nhưng vẫn chống chọi được với sâu bệnh, anh đã sử dụng vôi bột. Nhiều năm kinh nghiệm, cứ mỗi lượng vôi anh sẽ tính toán sao cho phù hợp với từng giai đoạn. Nếu bón nhiều thì gây hại cho cây, bón ít quá lại không trừ được sâu bệnh. Vì thế, Nguyễn Văn Công đã nghĩ ra cách bón hiệu quả, đó là nương theo hướng gió. “Gió thổi, kết hợp với cách mình tung, vôi bột sẽ được phân tán đều khắp mặt ruộng. Đó là cách chăm sóc cây an toàn và đỡ mất sức”, anh cho biết.

Thật ra, 9 năm không chỉ là quãng thời gian để tìm tòi kiến thức, đây cũng là lúc anh chiêm nghiệm và xác định cho mình mục tiêu lớn: “Nếu chỉ sản xuất ồ ạt mà không có đầu ra thì công sức bao năm của mình chỉ xem là muối bỏ bể. Vì thế, mình muốn tìm hướng đi rộng mở hơn, đó là tạo ra thương hiệu với những sản phẩm chất lượng”, anh Công chia sẻ.

Trợ lực

Khi chúng tôi tìm đến, vườn atiso đỏ của anh Công đã chớm ra bông. Những thân cây sắc đỏ đứng ngay hàng, thẳng lối. Anh kể: “Khi còn thử nghiệm, mình chỉ trồng 0,5 sào. Đến nay, diện tích là 1 ha. Với năng suất trung bình từ 1,5-2 tấn/sào và giá tầm 15-20 nghìn đồng/kg, atiso đỏ mang lại giá trị kinh tế không nhỏ so với loại cây trồng khác”.

Qua nhiều năm mày mò, Nguyễn Văn Công đã đúc kết công thức làm nước atiso tươi ngon mát và không mất nhiều thời gian. Anh nói: “Cho 6 lít nước sôi vào 1kg hoa. 5-10 phút sau cho vào hỗn hợp 0,5kg đường. Sau khi nước nguội, đánh tan đường là có đến 6lít nước atiso thơm ngon, có tác dụng mát gan, giải nhiệt, tăng cường sức đề kháng. Nhắc đến tương lai, Nguyễn Văn Công tâm sự: “Không hề đơn giản để thực hiện mục tiêu của mình. Trước mắt, việc xin cấp giấy phép đăng ký thương hiệu cho sản phẩm tạm ổn. Bây giờ điều cần làm là mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng hoa và quảng bá sản phẩm. Vấn đề rất nan giải là nguồn vốn”.

Ông Nguyễn Khoa Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thanh, cho biết: “Không chỉ tạo ra thu nhập cho bản thân, anh Công còn mang lại nguồn thu thường xuyên cho từ 5-10 lao động. Phát triển loại cây mang lại giá trị kinh tế và cả sức khỏe, đây là mô hình làm ăn hiệu quả và là hướng đi để mọi người học hỏi”. Để trợ lực, ngoài tạo điều kiện vay vốn, chính quyền địa phương đã quan tâm, hỗ trợ anh rất nhiều. Những luống atiso đang thành bông ngay trên mảnh đất anh được cho thuê. Các sản phẩm được quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Đồng hành cùng anh, ông Hồng khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ anh Nguyễn Văn Công. Tôi tin rằng những nỗ lực để mang atiso đỏ, loài hoa tốt cho sức khỏe đến với cộng đồng sẽ được đền đáp”.

Bài, ảnh: Mai Huế