Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ cuối năm 2018, giá lúa tươi (IR50404) tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đầu tháng 2/2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài (OM 504) giảm còn 4.500 đồng/kg. Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1/2019 giả cả về lượng và giá trị.
Nguyên nhân được đánh giá là một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12/2018 chưa chủ động giao hàng theo các hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính tập trung triển khai mua tăng đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 số lượng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng mua 100.000 tấn tiếp theo để thực hiện theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 và các chính sách hỗ trợ của nhà nước theo quy định hiện hành.
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần việc gì có lợi cho người dân thì cố gắng làm và nêu rõ, các biện pháp đưa ra là biện pháp thị trường bình thường chứ không phải phi thị trường. Nhà nước không can thiệp vào thị trường để bảo đảm hoạt động thị trường bình thường, theo quy luật giá trị. Tuy nhiên, trách nhiệm của Nhà nước là làm sao người dân có lợi ích tốt nhất trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật cho phép.
Để giải quyết vấn đề giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ mặc dù người nông dân vẫn có lãi (nhưng mức lãi rất thấp), Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, “phải mua sớm”, bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc.
Các tổng công ty lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định; khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo.
Cùng với việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo hỗ phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi. Báo cáo Thủ tướng sớm có chủ trương để dự trữ, có một cơ số cần thiết giải quyết việc trồng rừng trong mùa xuân này.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp và coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo vốn cho việc mua trong thời kỳ đang rộ mùa này”. “Định hướng tín dụng mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị toàn quốc về ngân hàng là ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn. Cả 2 lĩnh vực này đều đúng trong nhóm tín dụng ưu đãi mà Chính phủ đã đưa ra tại chủ trương tín dụng năm 2018-2019”, Thủ tướng phát biểu.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 2 Tổng công ty lương thực có chủ trương cụ thể bằng các nguồn lực khác nhau chỉ đạo mua kịp thời, sớm nhất lúa gạo cho người dân.
Bộ Công Thương tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm thị trường mới để tiêu thụ lúa dài hơi hơn cho người dân, nhất là khi chúng ta tham gia một số hiệp định thương mại mới gần đây trên cơ sở chất lượng gạo của Việt Nam được đánh giá không kém gì bất kỳ gạo ở nước ngoài.
Với những giải pháp trên, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, ngay đầu tuần tới họp với UBND các tỉnh, các doanh nghiệp có liên quan khác, NHNN… để thúc đẩy xử lý vấn đề mua lúa mua thóc của nông dân. Các bộ, địa phương giám sát việc thu mua để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.
“Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu”, Thủ tướng nêu rõ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để gạo chất lượng cao, gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo có thương hiệu của Việt Nam ngày càng phổ cập.
Trong bối cảnh mới về toàn cầu hóa và những vấn đề về mâu thuẫn, bảo hộ thương mại, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sâu hơn về an ninh lương thực, đề xuất với Chính phủ về an ninh lương thực trong tình hình mới.
Theo VPCP