Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá cao những đóng góp và tiềm năng của đồ gỗ xuất khẩu trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước cơ hội rất rộng mở, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam lại đang đối mặt với tình trạng “đói” nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu…

Chế biến và xuất khẩu đồ gỗ đang trở thành ngành mũi nhọn, đứng thứ 6 về giá trị xuất khẩu ở nước ta hiện nay

Vượt lên thành mũi nhọn

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đã đạt tới 9,4 tỷ USD, chiếm trên 25% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị suất siêu đạt 7,1 tỷ USD. Chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản là ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao nhất, đóng góp vào sự tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động chế biến gỗ. Số liệu từ Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, đến nay, cả nước có tới 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm 95% và có trên 1.800 doanh nghiệp chế biến gỗ để xuất khẩu, tăng hơn 300 doanh nghiệp so với năm 2017.

Khoa học công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm kết cấu, mẫu mã mới, sản phẩm cao cấp cho thị trường. Hiện nay, các doanh nghiệp đang hướng mạnh vào xuất khẩu với cơ hội lớn, nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Vào năm 2005, đồ gỗ Việt Nam mới xuất khẩu tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng đến năm 2018, sản phẩm đã có mặt tại hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với những mặt hàng được “săn đón” như: sản phẩm gỗ nội thất chất lượng cao (bàn, ghế, tủ, giường sử dụng trong văn phòng, gia đình và khách sạn; các loại cửa, ván sàn sử dụng trong xây dựng), sản phẩm đồ gỗ ngoại thất (bàn, ghế ngoài trời, giường tắm nắng, xe đẩy trà, xích đu, ô che nắng...).

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Việt Nam hiện đã trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới, thứ 2 ở châu Á, thứ nhất ở Đông Nam Á về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU. Tại nhiều hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra câu hỏi, liệu Việt Nam có thể trở thành “trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới”, có thể thu về 18 - 20 tỷ USD vào năm 2025 hay không? Điều đó cho thấy, Thủ tướng đánh giá rất cao sự đóng góp vào nền kinh tế, tiềm năng của công nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ khi hiện nay gỗ và lâm sản đang có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 6 của nước ta.

Nỗi lo đầu vào

Lợi thế như vậy, nhưng hiện nay hàng ngàn doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đang đứng trước khó khăn, thách thức rất lớn về nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt. Nếu vấn đề này không được giải quyết thì “giấc mộng” đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ của thế giới khó thành hiện thực. Theo bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Tổng Giám đốc Công ty CP Woodland, hiện nay, công ty của bà cũng như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành chế biến gỗ đang gặp phải khó khăn rất lớn trong việc thu mua nguyên liệu mà nguyên nhân chính là do thương lái trên thị trường thu mua mạnh mẽ để xuất đi nước ngoài dưới dạng nguyên liệu thô, vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp hạn chế tình trạng này. Bên cạnh đó, do nhiều nước trong khu vực đã có chính sách thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng, nhất là Lào, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc… dẫn đến tình trạng thiếu hụt gỗ nguyên liệu trong khu vực một cách rõ rệt, làm gia tăng áp lực cạnh tranh gỗ nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trước đây để giảm áp lực cho rừng, chúng ta phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu, nhưng phải phụ thuộc nhập khẩu thì đẩy chi phí lên cao, sức cạnh tranh kém, nên bây giờ lại đặt vấn đề phải chủ động về nguồn nguyên liệu nội địa, tức là trồng rừng để chế biến gỗ xuất khẩu. Trong năm 2018 vừa qua, tổng nguồn cung nguyên liệu gỗ cho doanh nghiệp cả nước là trên 40 triệu m3 gỗ tròn, trong đó lượng gỗ trong nước có khoảng 30 triệu m3, chiếm 75% so với tổng lượng nguyên liệu gỗ. “Điều này thể hiện thành tựu của công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam là nâng cao được tỷ lệ sử dụng gỗ nội địa, từ đó nâng cao được giá trị gia tăng của nguồn cung nguyên liệu”, ông Quyền cho biết.

Tuy nhiên, hàng năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu tới 8-9 triệu m³ gỗ tròn (riêng năm 2018 nhập kỷ lục tới trên 9,7 triệu m³). Do nhu cầu cao nên theo ông Quyền, hiện nay có nhiều doanh nghiệp mong muốn đầu tư trồng rừng để ổn định nguồn nguyên liệu, tạo ra động lực để phát triển rừng trồng ở Việt Nam. Chẳng hạn như: Công ty Hào Hưng đang muốn đầu tư 100.000ha; các công ty Nafoco, Woodlands, Scansia Pacific… mỗi công ty đều muốn đầu tư trồng khoảng 30.000 - 50.000ha nhưng các doanh nghiệp này lại chưa tìm được quỹ đất phù hợp, vì chính quyền các địa phương chưa có bảng thống kê các loại đất giao cho doanh nghiệp để hạch toán hiệu quả đầu tư, cũng như chưa hoàn thiện sổ chứng nhận quyền sử dụng cho người dân để doanh nghiệp có thể cùng người dân liên kết, hợp tác, đầu tư công nghệ...

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho rằng giải pháp hiện nay để tự chủ động nguồn nguyên liệu là Nhà nước cần có chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư trồng rừng, mở rộng diện tích rừng trồng; xây dựng nhiều vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng phục vụ chế biến, có chứng chỉ rừng bền vững.

Theo SGGP