Là một người hay nội trợ, nhưng có lẽ máu nghề nghiệp đã làm tôi luôn quan sát mọi thứ như một sự mặc định. Từ sự quan sát này có thể nhận thấy, tìm sản phẩm của Huế tại mấy siêu thị lớn ở Huế là điều không dễ. Trên một vài kệ có thể nhận ra tôm chua, mắm ruốc, tương ớt. Thêm mè xửng, trà cung đình và đôi khi có rau má, thanh trà. Còn gì nữa nhỉ...?
Vấn đề là các mặt hàng này cũng không nhiều, không tập trung. Tôi nhớ không lầm thì đã có thời gian, tại Coop Mart và cả Big C có hẳn một gian hàng cho các sản phẩm của Huế. Tuy nhiên, sự tồn tại của các gian hàng này cũng chả dài. Chiếu theo quy luật cung cầu là điều quá dễ. Song khi đi vào nguồn cơn theo như những gì chúng tôi được chia sẻ, trao đổi thì vấn đề lại không đến từ nhu cầu của người tiêu dùng mà là ở khả năng và phương thức cung cấp của người/cơ sở sản xuất tại địa phương.
Bên cạnh việc tìm hiểu thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu, việc đưa sản phẩm vào siêu thị phải đảm bảo được các tiêu chí và thủ tục theo quy định và quy trình vận hành bao gồm xác nhận của cơ quan y tế về an toàn thực phẩm, nhãn hiệu, kiểm tra, kiểm soát và giám sát định kỳ về chất lượng, mẫu mã, nhãn hiệu, thương hiệu... Trong đó, an toàn thực phẩm được xem là tiêu chí hàng đầu.
Cho dù, đã có hẳn những kế hoạch và sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền các cấp, đã có các hộ, nhóm hộ hay các cơ sở sản xuất, hợp tác xã xây dựng quy trình và tiêu chí này, song việc đeo đuổi hoạt động và đặt ra mục đích đến cùng xem ra hãy còn quá nan giải.
Đấy là chưa kể các thủ tục kinh doanh, thanh toán khác vốn phải đi theo đúng quy trình chứ không thể theo dạng có tiền ngay, đơn giản gọn nhẹ khi giao hàng cho các tiểu thương ở chợ truyền thống. Tất cả nhưng điều này làm cho người sản xuất nhỏ lẻ thấy “khó chơi” và khó bền lòng đeo đuổi.
Hệ quả lâu dài về sự kém phát triển, không chủ động được nguồn tiêu thụ lâu dài, chưa có ý thức xây dựng chuỗi giá trị; tạo ra những giá trị tăng thêm lớn hơn cho sản xuất và phát triển là điều mà người sản xuất nhỏ lẻ có thể chưa tính đến khi họ vẫn có thể bán nông sản, thực phẩm địa phương ra thị trường. Nhưng đó mãi mãi sẽ là cách làm nhất thời, không chủ động được nguồn cung và luôn phải đối diện với cảnh được mùa mất giá; cộng các hệ lụy khác phải tháo gỡ về nguồn vốn (không có tương tác và trợ giá về nguồn vốn, hỗ trợ về phòng trừ sâu bệnh và các kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp).
Lớn hơn, đó là lòng tin khi người tiêu dùng ngày một ý thức nhiều hơn đối với việc chọn các sản phẩm bảo đảm được độ an toàn về phực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Tôi cũng nghĩ đến điều đó khi gói lại mớ rau tần ô con gái mua từ chợ hôm qua, cho vào sọt rác vì chúng đã bị nhũn và chuyển màu sau một đêm chưa sử dụng.
MINH HÀ