Trong bút ký ĐẤT NỞ viết vào tháng 7/2012, tôi có viết một đoạn giới thiệu ngắn: “Nam Đông là một vùng đất có số phận lạ kỳ: 5 lần thay tên, 4 lần đổi chủ. Thời Pháp thuộc, vùng đất này thuộc Nguồn Tả (một trong 4 nguồn ở miền núi Thừa Thiên. Nguồn là đơn vị hành chính miền núi do thực dân Pháp đặt ra để cai trị) và một phần của Nguồn Hữu. Sau 1954, được gọi là quận Thượng Du, cùng với A Lưới, rồi sau đó lại đổi tên thành quận Nam Hòa. Năm 1960, Nam Đông không có tên gọi, chỉ được chính quyền cách mạng đặt vào Vùng C, một trong ba vùng miền núi Thừa Thiên. Đến năm 1963 lại đổi thành quận 4. Năm 1976, chính quyền ta đặt tên Nam Đông, bao gồm 8 xã. Đến thời Bình Trị Thiên hợp nhất, Nam Đông lại bị xóa tên, đưa vào huyện Phú Lộc. Tháng 10/1990, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức “trả lại tên cho em”; đến nay gần tròn 22 năm.

Huyện đã thế, các xã cũng chịu chung số phận đổi họ thay tên, chia cắt rồi sáp nhập, nhập vào lại chia ra. Để có một Nam Đông bây giờ với 10 xã và một thị trấn Khe Tre; chỉ trong hơn 50 năm mà bao điều thay đổi về số phận của một vùng đất, số phận con người”.

Nhưng cũng chỉ trong vòng 15 năm từ khi được tái lập, Nam Đông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2005. Và bây giờ toàn thể Nhân dân và cán bộ đảng viên của huyện đang phấn đấu thực hiện một mục tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020.

Theo báo cáo từ UBND huyện Nam Đông, đến nay, trên địa bàn huyện, dự án đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch các xã Hương Lộc, Hương Phú, Thượng Lộ đã triển khai. Lưới điện đã được phủ khắp huyện, phần lớn nhờ lưới điện quốc gia, được tiếp thêm từ Nhà máy thủy điện Thượng Lộ đã hoàn thành, vừa đưa vào khai thác. Huyện đã đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương đạt 76%, bảo đảm nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 90% diện tích lúa nước trên địa bàn. Và đang triển khai dự án cấp nước 5 xã Thượng Quảng, Thượng Long, Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật.

Dù vậy, cái nghèo vẫn còn đeo bám, như nỗi ưu tư của Bí thư Huyện ủy Lê Thị Thu Hương, đòi hỏi toàn huyện, từ cán bộ đảng viên đến đồng bào dân tộc quyết bứt phá vươn lên làm giàu, khắc phục bằng được những nguyên nhân chủ yếu khiến cái nghèo vẫn đeo bám đời sống nhân dân, là phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số có thay đổi nhưng vẫn còn chậm (những cặp vợ chồng mới lập gia đình, có con tách hộ ra ở riêng một thời gian sau hầu hết thành hộ nghèo); quy mô nền kinh tế của huyện nhỏ, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp...; giá cả các mặt hàng nông sản trong những năm qua không ổn định đã tác động đến thu nhập, đời sống của người dân.  Quan trọng hơn, nếu không muốn nói là rất quan trọng vì thuộc về tư tưởng, đó là “một bộ phận Nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên vẫn còn tư tưởng trông chờ ỷ lại, thiếu quyết tâm đầu tư phát triển sản xuất, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Về chuyện kêu gọi đầu tư các dự án, nhìn vào bảng sơ kết 3 năm sau đại hội, với các dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động có hiệu quả như Công ty TNHH Kimsora chi nhánh Nam Đông, Công ty TNHH hải sản và dịch vụ Thành Đạt, dự án thủy điện Thượng Lộ... có thể đặt niềm tin lớn vào các dự án sắp tới. Hiện nay, toàn huyện đang nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới (NTM), hiện có 5 xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến năm 2020, Nam Đông đạt chuẩn huyện NTM. 

Bí thư Huyện ủy Nam Đông Lê Thị Thu Hương thông tin: Niềm vui nhất sau đại hội là huyện có được đội ngũ lãnh đạo trẻ, được đào tạo bài bản và từng trải qua nhiều vị trí công tác, trưởng thành từ thực tế, cùng chung sức xây dựng huyện nhà. Sau khi 21 huyện ủy viên chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu, thôi tham gia huyện ủy khóa mới, để có thể hoàn thành trọng trách, đồng chí Bí thư Huyện ủy và các đồng sự coi việc tìm đến học hỏi các đồng chí ấy là điều cần làm. Với tư cách người đứng đầu Đảng bộ huyện, quan điểm về cách dùng người thể hiện rõ trí tuệ và tính đổi mới “ai có khả năng, tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ vượt trội hơn thì dùng”.

Quan điểm trên sẽ giúp Nam Đông có một đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên ngày càng được nâng tầm trí tuệ, nâng chất chuyên nghiệp và nâng cao trình độ kỹ năng, bên cạnh việc trau dồi đạo đức. Đó là nguồn sức mạnh cán bộ lãnh đạo và thừa hành quyết định sự phát triển của Nam Đông trong tương lai gần.                                                 

Phạm Xuân Phụng