Tháng 11/2009, chị Trang và những người nêu trên, được tuyển vào làm việc tại cửa hàng Viettel A Lưới (hình thức ký hợp đồng với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế). Khi tham gia phỏng vấn, họ được ông Nguyễn Đức Quang, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế phổ biến rõ ràng và cụ thể về cơ chế lương cũng như các hình thức ưu đãi đối với nhân viên quản lý địa bàn (NVQLĐB). Cụ thể, khi vào làm việc, 3 tháng đầu, Viettel hỗ trợ cho mỗi NVQLĐB 950.000đ/người/tháng (bao gồm các khoản: lương cứng 400.000đ, hỗ trợ 400.000đ, tiền điện thoại 150.000đ), dù NVQLĐB có đạt chỉ tiêu hay không. Sau thời gian 3 tháng đầu tiên, NVQLĐB không được hưởng khoản hỗ trợ như nêu trên nữa, mà cơ chế lương sẽ được tính như sau: đạt chỉ tiêu thu cước và bán hàng, NVQLĐB sẽ được nhận lương cứng 400.000đ. Ngoài ra, được hưởng hoa hồng trên số máy, sim, cạc Viettel mà họ bán được; mỗi thông báo cước sẽ được tính 6.000đ và hỗ trợ 150.000đ/tháng tiền điện thoại.

Từ tháng 1/2010, chị Trang và các NVQLĐB khác bắt đầu làm việc theo hợp đồng, tại cửa hàng Viettel A Lưới. Những người này chỉ nhận được một số tiền lương ít ỏi (người được 109.000đ, người được 115.000đ/tháng...), còn khoản tiền hỗ trợ 3 tháng đầu, tổng cộng là 950.000đ/người/ tháng, như ông Nguyễn Đức Quang đã phổ biến, thì Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế không thanh toán.
 
Ông Trần Văn Hùng, nhân viên hỗ trợ địa bàn, quản lý các NVQLĐB trên địa bàn huyện A Lưới cũng thừa nhận, có việc ông Nguyễn Đức Quang, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế phổ biến về chế độ hỗ trợ 950.000đ/người/tháng trong 3 tháng đầu làm việc, theo quy chế năm 2009, cho các NVQLĐB, như phản ánh. Đến tháng 1-2010, quy chế thay đổi, không có khoản hỗ trợ 950.000/người/tháng cho NVQLĐB trong 3 tháng đầu như đã nêu trên nữa. Do ông Hùng có thiếu sót, không phổ biến thông tin này đến các NVQLĐB, vì vậy, cá nhân ông Hùng xin chịu bồi thường các khoản tiền trên cho NVQLĐB, nếu họ có yêu cầu.
 
Theo ông Nguyễn Đức Quang, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế và theo các phụ lục của Công ty viễn thông Viettel ban hành kèm Qui chế nhân viên quản lý địa bàn, áp dụng từ ngày 01/10/2009, thì khoản lương cứng, các khoản hỗ trợ cho nhân viên như nêu trên, được công ty thực hiện. Nhưng từ ngày 01/01/2010, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội đã ban hành qui chế mới, thay thế toàn bộ các văn bản qui định chính sách - thù lao các đối tượng nhân viên địa bàn, cộng tác viên thu cước nợ đọng được hưởng trước đây, thì khoản hỗ trợ 3 tháng đầu 950.000đ/người/tháng không được hưởng nữa. Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế đã có văn bản chuyển đến cửa hàng Viettel A Lưới (do ông Võ Ngọc Điền phụ trách), để thông báo cho các nhân viên, cộng tác viên biết. Lẽ ra, ông Trần Văn Hùng, nhân viên hỗ trợ địa bàn, có nhiệm vụ thông báo cho NVQLĐB, nhưng ông Hùng không thông báo, nên xảy ra khiếu nại. Trách nhiệm này thuộc ông Trần Văn Hùng, chứ Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế không chịu trách nhiệm.
 
Chị Nguyễn Thị Hương Trang và các NVQLĐB khác (bên B) ký hợp đồng làm việc với Tổng Công ty Viễn thông Quân đội - Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế (bên A), thì khi quyền lợi của bên B bị thiệt hại, do thiếu sót của bên A, thì bên A phải có trách nhiệm khắc phục thiếu sót. Cụ thể, Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế phải chi trả đầy đủ khoản hỗ trợ tổng cộng là 950.000đ/người/tháng, trong 3 tháng đầu, như đã phổ biến, cho chị Trang và các NVQLĐB nêu trên, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Riêng việc ông Hùng và những người có liên quan, thiếu sót trong khi làm nhiệm vụ (bao gồm cả việc lỏng lẻo trong quản lý nhân viên và công việc của những người có thẩm quyền), cá nhân họ phải chịu trách nhiệm theo từng mức độ cụ thể trước đơn vị, là Chi nhánh Viettel Thừa Thiên Huế.   
 
                                                                                                Quỳnh Anh