Cứ mỗi năm lẻ, Huế lại tổ chức Fesstival Nghề truyền thống Huế với mục đích thúc đẩy, phát triển có hiệu quả các nghề truyền thống đặc trưng, liên kết với các nghề truyền thống cả nước, góp phần phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ của Thừa Thiên Huế. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức hội thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế để làm hàng lưu niệm và quà tặng; hỗ trợ vốn cho các làng nghề đầu tư trang thiết bị sản xuất; xây dựng khu trưng bày… Đây là nỗ lực, cố gắng rất lớn của chính quyền các cấp trong việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc; đồng thời, góp phần phát triển tour, tuyến du lịch làng nghề, tạo ra các sản phẩm độc đáo phục vụ du khách.
Nhìn nhận khách quan trong thời gian qua, giá trị các sản phẩm làng nghề đem lại chưa cao, du khách ít mặn mà với các sản phẩm truyền thống Huế; các tour, tuyến du lịch làng nghề chưa phát triển mạnh mẽ… Đây là điều khó trong việc bảo tồn các làng nghề, đặc biệt giữ chân những nghệ nhân suốt đời cống hiến với nghề.

Chúng tôi được biết, nhiều du khách ít có thông tin, chưa biết tường tận các công đoạn sản xuất sản phẩm của các làng nghề. Một số sản phẩm của các làng nghề với kích thước quá lớn khó có thể mang đi. Ông Lê Anh Tuấn – một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng: “Vừa rồi, tôi đi Huế du lịch. Trước khi kết thúc chuyến đi, tôi có dạo quanh một vòng ở chợ Đông Ba tìm mua một ít đồ lưu niệm của Huế song thật sự khó khăn, bởi vì những sản phẩm truyền thống, như nón lá, tôm chua, mè xửng thì thỉnh thoảng tôi cũng đã được bạn bè tặng rồi, còn muốn mua một số sản phẩm khác như đồ đồng, mây tre thì quá cồng kềnh không đem đi được. Anh Nguyễn Quang Hưng – kỹ sư cầu đường ở Hà Nội thì nói rằng: “Tôi cũng có mấy lần vào Huế tham quan du lịch, song tôi vẫn thấy sản phẩm truyền thống của Huế rất ít hấp dẫn du khách. Đây là một điều đáng tiếc. Huế có điều kiện để làm các sản phẩm truyền thống vì ở đây còn có quá nhiều nghệ nhân các làng nghề; có nhiều điểm di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng; có những phương tiện đi lại độc đáo,… thế thì tại sạo không chế tác ra những sản phẩm bằng gỗ, bằng tre, bằng đồng… về Đại Nội, lăng Tự Đức, Khải Định, chùa Linh Mụ, cầu ngói Thanh Toàn, cầu Trường Tiền, thuyền rồng, xe xích lô… với kích thước nhỏ gọn để khách mua về làm quà lưu niệm trưng bày lâu dài trong nhà”.

Mong sao trong thời gian đến, sản phẩm truyền thống Huế sẽ phong phú, đa dạng hơn, nhất là đáp ứng được nhu cầu, sở thích của du khách để làng nghề truyền thống Huế tiếp tục được gìn giữ, phát triển.
Trọng Hoàng