Tiêu độc khử trùng môi trường

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP. Huế, thủ trưởng các đơn vị liên quan chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc...

Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, hoặc hóa chất; vệ sinh và khử trùng phương tiện vận chuyển, con người ra vào cơ sở chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi và vệ sinh phòng dịch. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu vào trong tỉnh tiêu thụ; không mua bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.        

UBND các huyện, thị xã,TP. Huế thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nhất là tại các địa bàn có nguy cơ cao, các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới; khẩn trương phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương và bố trí kinh phí triển khai theo Quyết định số 2842/QĐ-UBND ngày 07/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành "Kế hoạch hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh”.

Theo Cục Thú y, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm ở địa bàn xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên và xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên; xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, tỉnh  Thái Bình. Vì vậy, nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm vào địa bàn tỉnh trong thời gian đến là rất cao.

Tin, ảnh: Hoàng Loan