Chừng độ này năm ngoái (2013), sau khi Bạch Mã mở cửa đón khách lại mấy ngày, tôi có dịp lên Bạch Mã để thực hiện những cảnh quay cho một clip nói về du lịch Huế. Không hiểu những ngày khác thì sao chứ riêng ngày hôm đó, Bạch Mã vắng không thể tưởng tượng được. Đến một số khách sạn mà các ngành đã đầu tư trước đây lại chứng kiến vẻ tàn tạ. Hình như các ngành đã bỏ rơi công trình của mình. Một quy luật chẳng hay ho gì cho Bạch Mã đã diễn ra ở đây: không có khách - không đầu tư dịch vụ - không có dịch vụ - khách không đến. Cứ thế mà cho đến bây giờ, mặc dù du lịch Huế đã đón hơn 2 triệu lượt khách vào năm 2013, và năm nay mục tiêu phấn đấu 2,5 triệu lượt khách thì Bạch Mã vẫn đang “ngủ”. Cái sự “ngủ” của Bạch Mã ở một trung tâm du lịch nổi tiếng như Huế có thể xem là một điều lạ!
Lục tìm trong sử liệu nói về Bạch Mã, xem ra từ những năm 1930 - 1940, Bạch Mã còn sầm uất hơn bây giờ. Vannientravel.com ghi lại như sau: “Năm 1936, 17 nhà gỗ đã có mặt trên đường đỉnh chóp. Năm 1937, một đường ô tô chạy được đã thông tuyến cho đến độ cao 500m; hoàn thành vào năm 1938, đường này góp phần vào sự phát triển mau lẹ của nơi nghỉ mát, 40 nhà gỗ mới được xây dựng thêm. Năm 1942, nhịp độ tăng nhanh, 45 nhà gỗ mới mọc lên. Năm 1943, mặc dầu việc cung cấp vật liệu gặp khó khăn, 30 nhà gỗ mới đang được xây cất, đưa tổng số nhà gỗ kiến thiết lên đến 130 nhà.
Nơi nghỉ mát chiếm một diện tích 900 hecta; 300 lô được đề nghị chỉ mới chiếm một phần nhỏ bé vùng đất rộng rãi này và chỉ liên quan đến một phần mười diện tích tổng thể.
Tôi chợt có một so sánh với cao nguyên Gengting của Malaysia. So sánh là bởi vì Gengting có nhiều điểm tương đồng với Bạch Mã và người Malaysia đã khai thác phục vụ du lịch rất thành công.
Xin được mô tả cao nguyên Gengting như sau: Cao nguyên Gengting ở độ cao 1.800m so với mực nước biển, là vùng rừng nguyên sinh nhiệt đới, cách thủ đô Kualalumpur 58km. Hiện nay Gengting highland được cho là khu du lịch phức hợp thuộc vào loại hiện đại nhất thế giới, gồm 6 khu khách sạn quốc tế và 2 khu nhà nghỉ trên đồi, các khu giải trí ngoài trời, trong khách sạn, casino, 170 nhà hàng và cửa hàng mua sắm. Chỉ riêng khu khách sạn First World có 6.200 phòng, thuộc loại lớn nhất thế giới.
 So Gengting với thủ đô Malaysia là Kualalumpur, vị trí địa lý của Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bạch Mã cũng rất lý tưởng, cách thành phố Huế 40km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 60km về phía Bắc. Với độ cao 1450m so với mực nước biển; khí hậu ôn đới trong lành hàng năm từ 18-220C. Giao thông cũng thuận tiện, nằm gần Quốc lộ 1A, cảng Chân Mây khoảng 5km, sân bay Phú Bài.
Malaysia đã đón khoảng 17, 18 triệu lượt khách và phần lớn khách nước ngoài đến Malaysia đều ghé thăm cao nguyên Gengting. Nổi tiếng với Toà tháp đôi và cao nguyên Gengting (dĩ nhiên là còn nhiều thứ khác nữa) mà Malaysia đón khách du lịch đứng hàng thứ 3 của châu Á. Khó có thể so sánh được với một “anh khổng lồ Gengting”, nhưng chỉ một phần nào đó thôi, Bạch Mã cũng sẽ không “ngủ” như bây giờ.
Vì sao Bạch Mã không thu hút khách vẫn là một câu hỏi đau đáu mà chưa có lời giải. Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng hình như chúng ta chưa có một chiến lượt phát triển du lịch Bạch Mã? Làm du lịch nhưng không đầu tư dịch vụ, không quảng bá. Và hình như còn điều này nữa, chưa có một người chủ thật sự phát triển du lịch Bạch Mã mà điều này vẫn nằm dưới sự điều hành của những người quản lý bảo vệ rừng (Vườn quốc gia Bạch Mã)?
Lê Phương