Chấm dứt kiếp sống lênh đênh cho các hộ dân thủy diện

Ông Lê Như Đát - Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngày 21/1/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 163/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Tái định cư, xoá đói giảm nghèo dân thuỷ diện ven biển và đầm phá Thừa Thiên Huế năm 2008 - 2009. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2010, 42 xã ven biển và đầm phá của các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Phú Lộc với 900 hộ dân thủy diện và 1.140 hộ dân nằm trong các vùng có nguy cơ sạt lở và ảnh hưởng thiên tai cao cơ bản không còn hộ dân thuỷ diện sống lênh đênh; các hộ nghèo được xóa nhà tạm, từng bước ổn định sản xuất và đời sống; góp phần xoá đói giảm nghèo, giữ vững an ninh và quốc phòng. Do vậy, yêu cầu mà UBND tỉnh đặt ra là các khu tái định cư phải tương đối đồng bộ về hạ tầng cơ sở và bảo đảm điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ. Nhằm bố trí khu tái định cư đảm bảo “Thuận canh, thuận cư”, UBND các huyện (chủ đầu tư) cố gắng lựa chọn tối đa phương án sắp xếp, bố trí dân cư theo thôn, xã đảm bảo từ 150m- 200m2/hộ (những nơi còn quỹ đất thì bố trí thêm đất sản xuất cho các hộ dân định cư từ 400 - 500 m2/hộ).
 

Ông Nguyễn Khoai - Trưởng thôn Nghi Giang - đang chỉ cho PV Báo Thừa Thiên Huế xem hiện trạng ngôi nhà (bên phải) của ông, bà Lê Văn Thạnh và Trần Thị Lành.
 
Với gần 42 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình Mặt trận quốc gia giảm nghèo, Chương trình 193 của Chính phủ, ngân sách tỉnh và nguồn vốn huy động đóng góp hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, năm 2008 - 2009, toàn bộ hộ dân thuỷ diện ở năm huyện nói trên sẽ được UBND các huyện bố trí định cư và xóa nhà tạm; đồng thời,  tạo điều kiện để sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp, góp phần xoá đói giảm nghèo và cải thiện đời sống. Trong đó, Phú Lộc có 468 hộ với tổng nhu cầu vốn hơn 20 tỷ đồng.
 
Ngày 25/1/2008, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh trích 5 tỷ đồng từ kinh phí ủng hộ bão, lụt của Ủy ban MTTQVN tỉnh hỗ trợ cho 500 hộ dân thủy diện tái định cư ở các huyện nói trên (10 triệu đồng/hộ) để xây dựng nhà ở, nhằm chủ động phòng tránh bão, lụt. Trong đó, huyện Phú Lộc gần 1,5 tỷ đồng.
 
Gia đình đã có nhà và đất
 
Qua những lời lẽ thống thiết trong lá đơn của ông, bà Lê Văn Thạnh và Trần Thị Lành, chúng tôi về tận nơi cư trú của vợ chồng ông này mới hay rằng: Hơn mười năm trôi qua, cả hai vợ chồng ông, bà giờ đây đã ba mặt con, nhưng vẫn quanh năm suốt tháng mưu sinh với nghề đánh bắt tôm cá trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Gia đình họ rày đây mai đó lênh đênh trên đò, nên cuộc sống hết sức bấp bênh và thường gặp nguy hiểm mỗi khi có lụt, bão xảy ra. Thế rồi, hai vợ chồng là một trong số rất ít người nghĩ đến chuyện lên bờ để ổn định cuộc sống. Nhờ tu chí làm ăn, họ đã dành dụm ít tiền để mua mảnh đất và trên đó có ngôi nhà tạm để ở.
 
Tuy nhiên, khoảng thời gian ngắn sau đó, chính quyền địa phương thực hiện Chương trình tái định cư, xóa đói giảm nghèo dân thủy diện ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2008 - 2009. Căn cứ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở tái định cư của Ủy ban MTTQVN tỉnh và căn cứ đơn xin cũng như biên bản làm việc của Ban chỉ đạo định cư dân thủy diện ven biển, đầm phá xã họp ngày 17/3/2008, sau khi kiểm tra địa điểm xây dựng và cam kết của các hộ, Ủy ban MTTQVN xã đề nghị Ủy ban MTTQVN tỉnh và huyện Phú Lộc xem xét hỗ trợ xây dựng nhà ở tái định cư đợt 1/2008 cho 18 hộ là 180 triệu đồng (10 triệu đồng/hộ).
 
Lý do mà ông, bà Lê Văn Thạnh và Trần Thị Lành không được xét cũng chỉ đơn giản là do đã có nhà, đất và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hẳn hoi. Cho dù, hiện nay nhà đã bị tốc mái và chỉ còn lại một số cột kèo và vài tấm phên tạm bợ, nên cả nhà phải tá túc bên nhà cha mẹ của chị Trần Thị Lành. Được biết, nếu như trường hợp ông, bà Lê Văn Thạnh và Trần Thị Lành được chiếu cố xem xét, thì tại địa phương có không dưới mười người thuộc diện này (hiện không có hộ nào khiếu nại, do chính quyền địa phương thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước đề ra).
    
Bài, ảnh: Vĩnh Cự