Đó là những tài liệu, hiện vật không chỉ chứa đựng những tình cảm tràn đầy, những huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn bao hàm một quan điểm, một lẽ sống giải phóng phụ nữ, động viên khuyến khích chị em phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng chung.
Giới thiệu bức ảnh Bác chụp cùng đoàn nữ đại biểu Thừa Thiên Huế đang trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: Võ Nhân |
Trong khối ảnh và hiện vật mà Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế lưu giữ và trưng bày, có bức ảnh Bác Hồ chụp ảnh với đại biểu nữ Thừa Thiên Huế. Bà Trương Thị Bích Thủy một người con của Thừa Thiên Huế kể lại rằng: “Đầu 1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội đại biểu Phụ nữ Cứu quốc toàn quốc họp lần thứ hai. Điều vinh dự nhất cũng là ước mong thiết tha nhất của các đại biểu là được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Bác chụp ảnh chung cùng đại biểu trong đại hội. Và sung sướng nhất là Bác chụp ảnh riêng với Phụ nữ Cứu quốc ba tỉnh Bình Trị Thiên. Bác căn dặn: “Đại hội này là đại hội đoàn kết tất cả các tầng lớp phụ nữ vào một mặt trận để cùng đấu tranh chung chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp... Các cháu là phụ nữ Cứu quốc, các cháu phải làm nòng cốt trong mặt trận ấy.”
Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2, tôi lại được là đại biểu đi dự Đại hội tại Việt Bắc tháng 2 năm 1951. Một trong những điều ghi nhớ sâu sắc nhất của tôi nữa là sau khi đại hội bầu cử xong BCH TW Đảng, Bác Hồ triệu tập tất cả các đại biểu nữ đến gặp Bác. Bác nhìn từng người và hỏi ai, ở địa phương nào? Bác khen và nói: “Các cô được cử lên đại hội là giỏi lắm, là đã sàng lọc từ cơ sở lên đại hội, nhưng chưa có cô nào được cử vào BCH TW vì chưa đủ sức gánh vác trọng trách trên cả nước. Vậy các cô phải cố gắng hơn nữa, học tập và công tác để đến đại hội sau phải có nữ vào BCH TW khóa III”. Chính những lời ấy đã dẫn dắt bà đi suốt cuộc đời.
Chiếc radio Bác Hồ tặng bà Kăn Lịch |
Ở mảng trưng bày Xuân 68 có bức ảnh Bác Hồ chụp ảnh với đoàn anh hùng miền Nam, trong đó có nữ anh hùng Kăn Lịch - Thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, là con em của đồng bào Pakô sống tại miền Tây Thừa Thiên Huế. Trong những năm 1965 – 1968, bà đã chỉ huy đại đội nữ dân quân đồng bào dân tộc đánh trả nhiều trận càn ác liệt của Mỹ ngụy để bảo vệ bản làng và vùng hành lang đường mòn Hồ Chí Minh tại A Lưới. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1967, Bộ Tư lệnh chiến trường đã quyết định chuyển bà ra miền Bắc để chữa bệnh. Trong thời gian điều trị, nghỉ dưỡng tại Hà Nội, bà được các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt được Bác Hồ đến thăm hỏi động viên và tặng quà. Bà nhiều lần được Bác Hồ cho đón đến thăm Bác tại Phủ Chủ tịch. Bác căn dặn: “Làm được anh hùng đã khó, song giữ được nó khó hơn. Cháu phải cố gắng làm tốt mọi công việc của mình để phát huy vai trò của một nữ anh hùng, đừng thỏa mãn mà dừng tại chỗ... Đã hứa với ai thì cháu phải chung thủy, giữ lời hứa cho trọn vẹn” Ngày 10/8/1968, bà Kăn Lịch vào thăm Bác và xin được trở về quê hương để chiến đấu, Bác Hồ đã dặn dò, động viên và theo ước nguyện thiết tha của bà là luôn được nghe tiếng nói của Bác, Bác Hồ vô cùng xúc động và đã tặng cho Bà Kăn Lịch chiếc radio mà Bác vẫn dùng hàng ngày để nghe tin tức trong nước và thế giới. Đồng thời Bác căn dặn phải dùng chiếc đài để tuyên truyền vận động bà con đồng bào ra sức đóng góp sức người, sức của cho cách mạng và hăng hái chiến đấu giải phóng và bảo vệ quê hương. Sau này Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể lại: “Nằm trên giường bệnh, hễ khi nào tỉnh, Bác lại nhắc tới Kăn Lịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Lý”. Điều đó nói lên tình cảm “miền Nam trong trái tim tôi”, Bác dành cho đồng bào miền Nam ở mọi lúc mọi nơi: trong bữa ăn, giấc ngủ, ở giữa giờ theo dõi bản tin hay tiếp khách nước ngoài, hay trong cuộc hội nghị bàn về nhiệm vụ đấu tranh thống nhất nước nhà.
Bộ áo quần của Bác |
Có lẽ phụ nữ cả nước không ai không biết tấm ảnh quen thuộc Bác Hồ hái hoa phong lan do chính Bác trồng trước Nhà sàn Phủ Chủ tịch để tặng chiến sĩ dân quân gái Quảng Bình - Vĩnh Linh. Đó là nữ anh hùng Trương Thị Huê, Trần Thị Bưởi và Nguyễn Thị Xuân. Về sự kiện này, chị Trương Thị Huê kể: “Chiều 11/9/1968, chúng tôi được đến Phủ Chủ tịch để gặp Bác. Ngồi trên xe tôi vừa mừng vừa lo: mừng vì sẽ được gặp Bác, lo vì không biết thưa chuyện với Bác ra sao. Khi chúng tôi đến nơi đã thấy Bác ngồi cạnh bàn đọc báo có ý chờ. Khi gặp chúng tôi chào, Bác tươi cười đáp lại và chỉ ghế cho ngồi. Bác nghe chuyện chúng tôi kể, nghe chúng tôi hát, Bác khen hay và cho chúng tôi chụp ảnh chung với Bác. Khi tiễn ra về, Bác tiễn chị em đi qua khóm lan trồng trước cửa nhà 54 (tên một địa danh trong khu di tích Nhà sàn Phủ Chủ tịch) rồi đưa tay ngắt từng bông tặng các chị rồi ân cần dặn dò, nhưng ít ai nghĩ bất chợt trong giây phút ấy, người thợ ảnh Vũ Đình Hồng đã chọn được một hình ảnh tuyệt đẹp thể hiện tình cảm của Bác với các chiến sĩ gái nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Đến nay bức ảnh này trở thành một kỉ niệm sâu sắc về tình cảm của Bác Hồ.
Trước lúc đi xa, Bác còn để lại cho chúng ta bản Di chúc lịch sử, trong đó đã phản ánh tập trung nhất tư tưởng đạo đức tác phong và tình cảm của Người. Cũng chính trong Di chúc, Bác nói những lời sau cùng với phụ nữ: “...Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng cất nhắc và giúp đỡ thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến bình đẳng thật sự cho phụ nữ”