Chỉ vì miếng đất 200m2 cha mẹ đã khuất để lại, các người con giành giật, mâu thuẫn đến không nhìn sửa mặt nhau. Kéo nhau ra tòa đòi chia chác. Trong thời gian tòa đang giải quyết vụ án tranh chấp thừa kế, “hai bên” liên tục gây gổ, đánh chửi nhau. Bênh cha mẹ, con trai em vác dao chém vào mặt con trai chị. Trong phiên tòa hình sự “cố ý gây thương tích” do TAND TP Huế xét xử, bị cáo (con trai em) quay lại cúi đầu xin lỗi, xin bị hại (con trai chị) tha thứ. Bị hại lạnh lùng nói “không tha”. Vết sẹo trên mặt rúm ró.

Lạnh tình ruột thịt

Tại phiên tòa, bị cáo (sinh năm 1995) thừa nhận hành vi phạm tội. Tòa hỏi: “Bị cáo có điều gì để nói với bị hại không?”. Sau vành móng ngựa, bị cáo quay người lại phía bị hại, cúi đầu run run: “Xin anh tha thứ cho em”. Bị hại lạnh lùng nói “Không tha”. Tòa hỏi thêm: “Vậy bị hại không xin giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo à?” Thanh niên này vẫn lạnh lùng đáp “không”. Trong đám đông dự khán, nhiều người thốt lời cám cảnh cho bị cáo. Bị hại tỏ vẻ khó chịu: “Mấy người biết chi mà… Mấy người thử đặt mình vô hoàn cảnh của tui, bị “nó” vác dao chém ngang mặt, để lại sẹo cả đời như ri?”. Cậu bị hại (cũng là cậu bị cáo, nhưng về “phe” bị hại) mắt gườm gườm: “Không có thằng cháu mô như hắn (bị cáo). Hắn vác dao chém em hung hăng đến độ cả hai đứa rơi xuống sông. Bản thân hắn không biết bơi, lóp ngóp dưới sông như vậy mà còn cố chém em thêm mấy nhát”. Mẹ bị cáo phân bua: “Con tui lỡ dại làm rứa là do hắn bức xúc vì cha mẹ bị mấy cậu kéo đến đánh. Trong đám người gây gổ nớ có cả cháu tui (bị hại). Mà tui có làm điều chi sai trái? Đất cha mẹ để lại cho cả bảy anh chị em, hiện hai người anh đang làm nhà ở. Tui không tranh giành chi cho mình, chỉ xin mấy anh cho người chị kế tui, một rẻo làm nhà. Chị ấy không chồng không con, không nhà cửa, lang thang tha hương đi làm thuê. Tội nghiệp. Vậy mà mấy anh không chịu. Đã nhẫn tâm như vậy thì tui phải nhờ tòa giải quyết chia thừa kế. Dự tính sau khi tòa chia, phần của tui, tui cũng cho chị để chị có rẻo đất làm nhà chui ra chui vào lúc cuối đời. Chứ tui cũng đâu có lấy? Mấy đứa cháu “phe bên kia” dẩu môi nhao nhao: “Đất đó là đất hương hỏa, ba và chú tui, mỗi người xây nhà một bên, còn ở giữa là nhà thờ. Ba và chú ở để lo hương khói. Bà ấy (ý nói mẹ bị cáo) đi lấy chồng rồi, sao còn về đòi chia chác. Còn “bà kia” (ý nói người cô không chồng con, hiện nay vẫn tha hương không nhà cửa) mấy chục năm nay ở đâu không biết. Bao nhiêu năm, ông bà già cả, bệnh tật, rồi bị tai biến phải nằm một chỗ, bà kia chẳng về chăm sóc. Không nấu cho cha mẹ được chén canh, tô cháo, giờ ông bà mất, lại về đòi chia của. Có làm thì mới có hưởng. Mấy bà có làm đâu mà đòi hưởng”.

Đắng

Theo cách cãi vả của những người trong gia đình này, mấy anh chị em ruột chia làm hai “phe”. Đương nhiên con cháu của bên nào thì phải bảo vệ bên đó. Từ khi tòa thụ lý giải quyết vụ kiện tranh chấp thừa kế (do mẹ bị cáo và người chị không nhà cửa đứng đơn), hai bên đã không còn nhìn mặt nhau. Chốn pháp đình, tòa tiến hành các thủ tục pháp lý, vụ kiện càng đến gần hồi kết thúc, thì “ở ngoài” hai bên càng căng thẳng. “Mấy người đó (anh chị ruột) muốn khư khư độc chiếm miếng đất. Trong khi theo quy định, tài sản cha mẹ để lại mỗi người đều được hưởng phần bằng nhau. Họ thấy có nguy cơ thiệt hại nên mới tức tối. Cứ sau mỗi lần tòa gọi đến làm việc, họ lại kéo đến nhà tui gây gổ, chửi bới, thậm chí thuê cả “giang hồ” đánh vợ chồng tui. Hôm đó, họ cũng đang “vây” phía trước nhà tui. Con tui đi chơi về, thấy cha mẹ bị đánh chửi, bức xúc nên mới làm (chém anh họ) vậy.” Chỉ mẹ bị cáo (chị ruột), người phụ nữ này chì chiết thêm: “Chị em chi mà hết tình hết nghĩa. Con tui chém con chị là có lỗi. Vợ chồng tui xin lỗi, xin bồi thường thuốc men, cũng không chịu, cố tình đẩy con tui vô tù”. Mẹ bị hại cũng không vừa, lạnh lùng gằn giọng: “Con tui nằm bệnh viện hắn có thèm tới thăm mô? Chừng sợ bị con đi tù mới bày đặt gọi điện thoại xin lỗi. Tui bảo vợ chồng hắn phải vô tận nhà tui xin lỗi, có thể vợ chồng tui sẽ chấp nhận. Nhưng hắn có làm đâu”. Người em lườm nguýt chị: “Đó, lòi cái mặt ghê gớm chưa. Nhà ở tận trong Nam mà bảo người ta vô tận trong đó xin lỗi. Có mà gây khó cho người ta.” Có người góp chuyện: “Khó thì khó, nếu cất công vượt chặng đường dài như thế, vào xin lỗi chị, có thể chị ấy sẽ vì tình nghĩa chị em mà…” Mẹ bị cáo cắt ngang: “Ui dào, tui hiểu rõ quá rồi. Tình nghĩa chi mà tình nghĩa. “Gốc rễ” vì chút đất mà tình nghĩa không còn. Chuyện con tui chỉ là “ngọn”. Từ ngày ra tòa giải quyết chuyện đất đai, “hai bên” từ mặt nhau. Thêm nữa “họ” dữ dằn như rứa, đến ngày cúng giỗ cha mẹ, tui cũng đâu dám qua. Nên tui đành tự tay nấu mâm cơm, mang lên tận mộ, thắp hương mời cha mẹ.”. Nhiều người ngao ngán cho rằng, linh hồn của “các cụ” chắc phải đau lòng lắm. Mâm cơm cúng dù đặt ở nhà thờ hay tại mộ, có thơm ngon thế nào các cụ cũng thấy đắng. Bởi hạnh phúc của bất kỳ gia đình nào là ruột thịt thương yêu, chia sẻ với nhau. Vậy mà…

Tiếng chuông riết róng, báo hiệu hội đồng xét xử ra tuyên án.

Quỳnh Anh