Những gì chúng ta đạt được về chính trị, ngoại giao, đặc biệt là sự ổn định về chính trị xã hội là giá trị quan trọng thu hút sự quan tâm chú ý của cộng đồng thế giới.

Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện. Ảnh: VOV

Phải khẳng định, Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình. Trải qua hàng trăm năm, tiếng súng không ngừng nghỉ trên mảnh đất nhỏ bé, cả dân tộc buộc phải cầm súng tự vệ và chiến thắng rất vẻ vang trước những đội quân hùng hậu, thiện chiến, giàu mạnh. Khoảng 30 năm gần đây đất nước mới thực sự không còn tiếng súng, nhưng các thế lực thù địch và các phần tử chống đối vẫn cố tình gây xáo trộn nhằm làm mất ổn định chính trị xã hội, phá hoại cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Khi Thông điệp của Tổng thống Mỹ được phát ra, có kẻ còn ngạc nhiên, nghi ngờ, thậm chí phản ứng mỉa mai về quyết định của Mỹ. Những phần tử cực đoan đang lợi dụng những sai sót trong giải quyết một chủ trương nào đó của Nhà nước để kích động chống đối. Thực chất, những hành động đó nhằm tạo bất ổn cho xã hội, gây hoang mang trong dân chúng với mục đích chống lại Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, âm mưu và hoạt động của chúng không thể làm thay đổi không khí hòa bình của một đất nước đang ngày càng ổn định, phát triển.

Với những gì đã đạt được về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, chúng ta có quyền tự hào về thành tựu đã đạt được. Nhìn sang các nước Trung Đông, Bắc Phi hay ở ngay các nước trong khu vực Đông Nam Á, tiếng bom khủng bố, sự trỗi dậy của các thế lực đối lập đang đe dọa nền an ninh ở mỗi nước. Cuộc chiến sắc tộc, tranh giành quyền lãnh đạo đã đẩy các nước vào những cuộc nội chiến kéo dài. Hàng năm có hàng trăm cuộc giao tranh giữa các phe phái, những cuộc đánh bom khủng bố giết hại hàng loạt người dân vô tội.

Hòa bình và ổn định là cốt lõi rõ nhất ở Việt Nam. Chúng ta đã 2 lần tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh APEC; nhiều diễn đàn hội nghị quốc tế lớn đã tạo được sự tin tưởng của cộng đồng thế giới. Trong những năm gần đây, đã có ít nhất 4 vị Tổng thống đến Việt Nam. Trực tiếp quan sát cảnh đẹp của thiên nhiên, an ninh tuyệt đối an toàn là ấn tượng đem đến sự tin tưởng khi họ chọn Việt Nam là một điểm đến.

Năm 2016 khi thăm Việt Nam, Tổng thống Obama đã đi dạo bộ và ăn bún chả tại một nhà hàng bình dân ở phố cổ Hà Nội. Với Chủ tịch Triều Tiên -Kim Jong Un- rất ít khi xuất ngoại, nếu chấp nhận với đề nghị của Mỹ chọn Việt Nam cho một cuộc gặp gỡ cũng là sự lựa chọn được cân nhắc kỹ, có chủ đích của các nguyên thủ quốc gia.

Chỉ còn một thời gian ngắn nữa sẽ diễn ra cuộc hội đàm hòa bình không chỉ cho bán đảo Triều Tiên mà còn cho nền hòa bình của thế giới. Dù kết quả có như thế nào đi nữa, nhưng khi chọn Việt Nam là điểm gặp gỡ cho thấy, Tổng thống Mỹ đã trao một thông điệp và gửi gắm niềm tin. Hy vọng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp như mong đợi của cả thế giới vì hòa bình.

PHƯỚC KHÁNH