Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Tăng tính khách quan

Năm 2019, kỳ thi THPT Quốc gia không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ mục tiêu tốt nghiệp phổ thông. Thay vì điểm thi THPT Quốc gia và điểm học bạ chiếm tỷ lệ 50/50 như mọi năm, thì năm 2019, tỷ lệ này được điều chỉnh thành 70/30 (điểm xét tốt nghiệp THPT gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia + 30% điểm trung bình  năm lớp 12 của thí sinh + điểm ưu tiên, khuyến khích). Nhiều người ủng hộ cách tính điểm mới này vì sẽ phân loại học sinh tốt hơn, phù hợp với thực tiễn, tăng tính khách quan của một kỳ thi quốc gia. Hơn thế, giảm thiểu nguy cơ một số trường lợi dụng điểm trung bình lớp 12 để tăng tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh thông qua việc “làm đẹp” học bạ.

Theo cách tính của các trường, năm 2018, thí sinh đạt điểm trung bình lớp 12 được 7,0 điểm thì điểm trung bình các bài thi đạt 3,0 điểm (không bị điểm liệt) là đậu tốt nghiệp THPT. Còn năm 2019, thí sinh phải đạt điểm trung bình các bài thi là 4,14 điểm mới đậu tốt nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được số điểm này mà không có môn/bài nào bị điểm liệt cũng không đơn giản, nhất là tình trạng học sinh học lệch khá phổ biến. Nguyễn Ngọc Tuấn Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP. Huế), chia sẻ: “Em chọn cách an toàn là học đều các môn. So với cách tính điểm 50 - 50 thì học sinh không quá phụ thuộc vào bài thi, chỉ cần không bị điểm liệt là gần như chắc chắn đỗ tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi điểm học bạ không còn là “phao cứu sinh” thì những bạn có học lực trung bình, yếu sẽ gặp khó khăn”.

Cô giáo Hoàng Thị Kiều Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Huế) quan ngại khi qua hai lần khảo sát bài thi tự chọn ở trường, các em rất chủ quan, chỉ tập trung nắm chắc các môn để thi đại học. “Nếu học sinh có học lực khá, giỏi mà không biết cách học sẽ có nguy cơ bị điểm liệt, không đủ điểm để vượt qua kỳ thi THPT quốc gia. Việc cần làm lúc này là các em cần học đến đâu nắm chắc kiến thức đến đấy và tuyệt đối không được lơ là, sao nhãng học hành, nhất là những giờ học trên lớp", cô Dung cho hay.

Nắm vững kiến thức

Kỳ thi năm 2019 vẫn có 5 bài thi: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử - địa lý - giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (vật lý - hóa học - sinh học). Trừ bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài còn lại đều thi trắc nghiệm. Đề thi tốt nghiệp THPT bao gồm cả lớp 10, 11 và 12. Tuy nhiên, các trường đã định hướng cho học sinh ôn chắc nội dung chương trình lớp 12 vì điểm số ở phần này là chủ yếu. Sau đó mới ôn tập đến nội dung của chương trình lớp 10, lớp 11. Nhiều trường đã tổ chức cho học sinh đăng ký lựa chọn các tổ hợp môn thi, đồng thời thi khảo sát để phân loại học lực của các em để tổ chức ôn tập với từng nhóm học sinh. Các tổ chuyên môn phân tích kỹ cấu trúc của đề thi minh hoạ; trên cơ sở đó, xây dựng đề cấu trúc tương tự đề để học sinh thi thực không bỡ ngỡ, đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Vinh Lộc (Phú Lộc), cho hay: “Toàn trường có 65% học sinh đăng ký chọn thi tổ hợp khoa học xã hội. Ngoài thời gian học chính khóa, học sinh được ôn tập thêm môn vật lý và lịch sử phù hợp với nguyện vọng của các em. Hiện tại, chất lượng học sinh ở các lớp mũi nhọn của trường rất tốt, còn chất lượng học sinh đại trà thì hơi lo. Nhiều em không nghiêm túc trong ôn tập và làm các bài thi thử ở trường.

Trước những băn khoăn, lo lắng của các thí sinh của kỳ thi sắp tới, ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, trao đổi: Sở đã chỉ đạo các trường nhanh chóng triển khai điểm mới của kỳ thi. Các trường tiến hành dạy kiến thức mới đồng thời tổ chức ôn tập với hình thức cuốn chiếu. Với học sinh khá giỏi, cần ôn tập toàn diện để có điểm số tốt tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mình yêu thích. Còn học sinh có học lực trung bình cần nỗ lực nắm vững kiến thức một cách có hệ thống để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Bài, ảnh: Huế Thu