Người ta nói nhiều đến văn hóa và du lịch Huế nói riêng và miền Trung – Tây Nguyên nói chung với bao điều trân trọng. Ví như đến Huế để là thăm (rất đáng tự hào với nhiều di sản nổi tiếng), để chơi (còn nhiều điều để nói) và để ăn, đã và đang là đề tài hấp dẫn. Tôi đã có dịp đi đến nhiều vùng đất trong nước, cả ra nước ngoài và điều đọng lại trong tôi là khó có nơi nào vượt qua được Huế là về ẩm thực, nôm na là… chuyện ăn.

Việt Nam có khoảng 1.700 món ăn thì xứ Huế có tới 1.300 món. Đó quả là điều đáng tự hào. Nhiều chưa phải là quý, điều làm cho bao người quay quắt khi nhớ về món ăn Huế là ngon (ngon lạ, ngon lùng), là đẹp. Ẩm thực Huế, đặc biệt là ẩm thực cung đình, nổi tiếng không chỉ nhờ cách chế biến mà còn ở cách trình bày, trang trí món ăn bắt mắt, không phải nơi nào cũng có được. Người Huế gọi một cách thân thương, đó là “ăn bằng mắt”.

Sự hấp dẫn của ẩm thực Huế còn đến từ giai thoại, từ những trải nghiệm và những chuyện kể về các món ăn. Nhớ dịp cuối năm rồi, rảnh rỗi hàn huyên với anh Dương Phước Thu, một người rất đam mê nghiên cứu lịch sử và văn hóa Huế. Anh bảo (và tôi cũng cảm nhận), nếu món ăn ngon và đẹp là công lao của những đầu bếp thì để ẩm thực Huế đến với bao người, đặc biệt là những du khách, lại là trách nhiệm của của cộng đồng, của các nhà nghiên cứu, của hướng dẫn viên du lịch. 

Ở Huế có những món ăn nổi tiếng, như chuối ngự, bưởi thanh trà, bún bò, cơm hến, các loại mắm ruốc, tôm cá phá Tam Giang, cua gạch đầm Cầu Hai, các loại chè, bánh mứt… Ít người biết rằng, đằng sau nhiều loại cây trái, thức ăn kia là những giai thoại hay những chuyện kể thú vị. Ví như tôm chua được biết đến là đặc sản Huế, nhưng Cố đô lại không phải là nơi cho ra đời món tôm chua. Người Huế rất ý nhị, vì vậy, không quên tâm tình: “Nguyên là đặc sản miền trong/Theo bà Từ Dũ ra cùng Hương Giang”. Bà Từ Dũ là hoàng hậu, vợ vua Thiệu Trị .

Hay như vùng Cầu Hai - Tam Giang được xem như báu vật của đất trời trao tặng cho Huế. Nơi đây mênh mang một không gian rộng lớn, tạo nên vô vàn cảnh đẹp ngoạn mục những sớm bình minh, những lúc ráng chiều, và đặc biệt là vằng vặc, ảo diệu giữa những đêm trăng mùa hè. Cũng chính do sinh sống ở nguồn nước lợ (hiếm có, trộn lẫn giữa nước sông và nước biển) nên các loại cá tôm nơi đây nổi tiếng thơm ngon lạ thường, có loại từng là “đặc sản tiến vua”. Tiêu biểu như loại cá dìa mà người Huế vẫn thường gọi là “cá thuốc Bắc”.

Có dịp du lịch Hàn Quốc, đến bất kỳ nhà hàng nào cũng thấy có món kim chi. Thưởng thức rồi mới hay, món ăn này chẳng khác chi món dưa muối bình dân của người Việt. Chuyện rằng, Hàn Quốc vốn nổi tiếng với mùa đông khắc nghiệt và kéo dài. Không một loại cây nào có thể phát triển được vào mùa này, do đó, người Hàn Quốc từ xưa phải tính đến chuyện dự trữ thức ăn, đặc biệt là các loại rau cung cấp nhiều vitamin và món kim chi đã xuất hiện từ 3.000 năm trước. Ở Hàn Quốc, tôi đã được “mời” ăn, được “tập làm” và đặc biệt, được nghe kể rất nhiều, nên thích và thèm kim chi bao giờ chẳng hay.

Cũng như kim chi xứ Hàn, mắm tôm, những “đặc sản tiến vua”, hay loại “cá thuốc Bắc”… cần có những câu chuyện kể hấp dẫn để mọi người có thể thưởng thức. Đó là kiểu “ăn bằng đôi tai”, một cách quảng bá hiệu quả và góp phần đưa ẩm thực Huế đi xa.

Đan Duy