Mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập cao cho người dân xã Hương Bình
Khó từ xã đạt chuẩn
Sau hơn 3 năm được công nhận xã NTM, Hương Vinh đã có nhiều đổi thay, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang. Các mô hình phát triển kinh tế của người dân phát huy hiệu quả. Cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ. Nhân dân nhận thức rõ về vai trò chủ thể của mình trong thực hiện xây dựng NTM.
Với định hướng phát triển NTM theo hướng đô thị, Hương Vinh huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, quan tâm kích cầu, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ ở địa phương, phát triển thương mại dịch vụ chợ Bao Vinh, dọc Tỉnh lộ 4; tạo điều kiện thông thoáng và môi trường đầu tư tốt để thu hút các DN đầu tư vào địa bàn...
Chủ tịch UBND xã Hương Vinh, ông Trần Quốc Thắng cho hay: Đến nay, các tuyến đường đều quy hoạch theo định hướng phát triển đô thị, 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 và 2; thu gom rác đạt 100%, đã xóa bỏ làng nghề ô nhiễm môi trường (gạch ngói Thủy Phú); chuẩn hóa đội ngũ cán bộ… Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế nên hiện khu tiểu thủ công nghiệp tập trung (ở thôn Địa Linh), sân vận động xã dù đã được quy hoạch nhưng vẫn chưa triển khai xây dựng hạ tầng.
Chủ tịch UBND xã Hương Bình Hồ Văn Sanh bày tỏ: Dù xã có trên 1.000 ha cao su, hơn 600 ha rừng kinh tế, chưa kể hàng trăm ha sắn công nghiệp và trên 60 ha cây ăn quả có giá trị nhưng ngân sách xã rất khó khăn do nhiều năm đấu đất không được. Vì vậy, để có đủ điều kiện xét đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2017, việc xây dựng các thiết chế văn hóa đều huy động sự đóng góp của Nhân dân và các "mạnh thường quân"; như bê tông hóa 100% đường làng ngõ xóm, đóng góp ngày công, kinh phí (trên 1 tỷ đồng) để xây dựng hệ thống nước sạch.
Đến nay, Hương Trà có 9 xã thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó, Hương Vinh, Hương Bình đã được công nhận đạt chuẩn NTM; Hương Toàn và Hải Dương đã hoàn thành 19 tiêu chí; 3 xã: Hương Phong, Hương Thọ, Bình Điền đạt 16/19 tiêu chí; 2 xã còn lại là Bình Thành và Hồng Tiến lần lượt đạt 12 và 10 tiêu chí. Đến cuối năm 2018, số tiêu chí đạt của 9 xã là 145, bình quân 16,11 tiêu chí/xã và phấn đấu đến 2020, Hương Trà sẽ có từ 7-8 xã đạt chuẩn NTM.
Mục tiêu gắn với thực tế
Giai đoạn 2016-2018, Hương Trà đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên 358 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương trên 40 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 124 tỷ đồng và cộng đồng dân cư trên 194 tỷ đồng) xây dựng các công trình đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, nhà văn hóa và hỗ trợ sản xuất trực tiếp để nâng cao thu nhập cho người dân… |
Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà Trần Xuân Anh thông tin: Trong quá trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng luôn là tiêu chí được triển khai sớm nhất nhưng đối diện nhiều khó khăn. Nhu cầu vốn đầu tư để đạt chuẩn đối với tiêu chí này rất lớn nhưng nguồn lực để hỗ trợ đầu tư chưa thể đáp ứng, kết quả là việc xây dựng NTM không đồng đều giữa các xã có điều kiện tương đồng, chất lượng đạt chuẩn ở một số tiêu chí còn chưa bền vững, các tiêu chí về hạ tầng thiết yếu đạt được còn ở mức thấp.
Thực tế tại Hương Trà, việc khai thác nguồn lực xây dựng NTM ở một số xã xa trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn, phương án đấu giá đất lấy kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã này khó thực hiện. Lãnh đạo TX. Hương Trà thừa nhận, tiêu chí hoàn thiện cơ sở hạ tầng là thách thức lớn nhất với địa phương trong khi các tiêu chí liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần, chính trị,…sớm hoàn thành do sự đồng lòng và vào cuộc tích cực của chính quyền và người dân.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Xuân Ty, để đưa các xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch đề ra thì phương án tháo gỡ khó khăn trước mắt là huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các DN đầu tư sản xuất kinh doanh vào địa bàn nông thôn. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh và nguồn nội lực ở địa phương để ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng mang tính trọng điểm vừa có tác dụng thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh đấu giá đất, qua đó tạo nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của chương trình NTM.
Bài, ảnh: Liên Minh