Nhiều hoạt động được tổ chức để thu hút lá phiếu từ các cử tri trẻ tuổi ở Indonesia, Philippines và Thái Lan. Ảnh: ASEAN Post
Indonesia
Tại Indonesia, thế hệ Y (còn gọi là Millennials - những người sinh ra trong giai đoạn từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000) chiếm gần một nửa số cử tri và vì thế, các ứng cử viên đang rất nỗ lực để thu hút sự ủng hộ những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, đó là một phân khúc cử tri khó thuyết phục, với truyền thống ít tham gia chính trị.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Alvara - một tổ chức thăm dò ý kiến có trụ sở tại Jakarta cho thấy, chỉ có khoảng 23,4% số người trẻ được hỏi nói rằng có theo dõi tin tức chính trị. Trong lịch sử, những người trẻ này thường tránh xa các cuộc bầu cử. Tỷ lệ này đã gia tăng ở Indonesia kể từ cuộc bầu cử năm 1999, khi trong năm 2014, có đến 30% cử tri đăng ký không tham gia bỏ phiếu, trong đó phần lớn là những cử tri trẻ tuổi.
Các chiến dịch lớn cho cuộc đua đến chức tổng thống đã thực hiện liên tục nhằm kêu gọi hàng nghìn người trẻ chọn ứng cử viên cho mình và sau đó ra ngoài bỏ phiếu. Chủ tịch đảng Gerindra, ông Mitchowo Subianto, đã tham dự một số sự kiện tập trung vào giới trẻ, bao gồm Hội nghị thượng đỉnh thế hệ Millennials Indonesia 2019.
Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo cũng sử dụng một số đồng minh chính trị trẻ tuổi hơn của mình để khuyến khích sự ủng hộ của thế hệ Millennials, với mục tiêu nhận được ít nhất 45% số phiếu bầu của những cử tri nhóm này.
Nhưng điều này không phải dễ dàng, khi nhiều người trẻ cũng đang nỗ lực để tham gia trực tiếp hơn vào quá trình chính trị, bằng cách tự mình trở thành ứng cử viên. Khoảng 21% trong số 7.991 ứng cử viên tranh cử ghế tại Hạ viện Indonesia có độ tuổi từ 21 đến 35.
Philippines
Theo người phát ngôn của Ủy ban bầu cử Philippines, hơn 1/3 số cử tri nước này nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35, trong đó có khoảng 1,5 triệu thanh niên Philippines đủ điều kiện để bỏ phiếu lần đầu tiên trong cuộc thăm bầu cử năm nay.
Các quan chức và tổ chức đang khuyến khích sự tham gia của giới trẻ cao trong các cuộc bầu cử sắp tới. Hội đồng Mục vụ Giáo xứ về trách nhiệm bỏ phiếu - một tổ chức phi lợi nhuận, liên kết với Giáo hội Công giáo đang làm việc để khuyến khích các cử tri trẻ bắt đầu đánh giá các ứng cử viên dựa trên ba tiêu chí chính là tính cách, năng lực và sự trung thực.
Các cử tri trẻ đã bị loại khỏi các hoạt động chính trị trong quá khứ. Một báo cáo từ tờ Daily Inquirer của Philippines vào đầu năm 2018 cho thấy, thanh niên có thể cân nhắc việc tham gia vào đời sống chính trị, bằng cách tự mình chạy đua hoặc bỏ phiếu, nhưng đã phải từ bỏ do những vấn nạn như tham nhũng và gia đình trị.
Thái Lan
Dự đoán ban đầu cho thấy tỷ lệ tham gia bầu cử trong giới trẻ ở Thái Lan năm nay có thể sẽ rất ấn tượng. Theo một cuộc khảo sát lần đầu tiên được thực hiện bởi Đại học Bangkok, 78,6% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử và 85,8% cho biết họ đang theo dõi các vấn đề chính trị trên phương tiện truyền thông xã hội.
Các phương tiện truyền thông xã hội không chỉ là lĩnh vực thống trị của giới trẻ, cuộc bầu cử năm nay do đó có thể sẽ mang một sắc thái kỹ thuật số rõ rệt, hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào ở Thái Lan trước đây, mang đến cho những người trẻ yêu thích kỹ thuật số một quan điểm khác về chính trị ở đất nước này.
Cuộc bầu cử Thái Lan 2019 sẽ là lần đầu tiên phiếu bầu được kiểm đếm trong cuộc đua quốc gia trong 8 năm qua. Lần cuối cùng Thái Lan tổ chức một cuộc bầu cử quốc gia, năm 2011, tỷ lệ truy cập internet ở Thái Lan chưa đến 1/3, Twitter có 10 triệu người dùng, nhưng không có đảng phái chính trị hay cá nhân nào đạt được 1 triệu lượt thích.
Trong khi đó ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội đã có vị thế rất khác. Theo báo cáo của Hootsuite và We Are Social, năm 2019, đã có 57 triệu người dùng internet ở Thái Lan, tỷ lệ truy cập internet tăng 82%. Những người dùng phương tiện truyền thông xã hội chiếm 74% dân số.
Thái Lan hiện có hơn 46 triệu người dùng Facebook. Một so sánh nhỏ cho thấy, trong khi trang Facebook của Tướng Prayut Cha-o-cha có 502.000 lượt thích thì trang cá nhân của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có đến 6 triệu lượt thích.
Tố Quyên (Lược dịch từ ANN)