Điều dưỡng Khoa Sản, Bệnh viện Trường đại học Y Dược chăm sóc trẻ sơ sinh

Đến Khoa Sản, nghe những tiếng khóc chào đời của các bé, thấy lòng ấm áp lạ. Tại đây, các điều dưỡng đang tắm cho các em bé sơ sinh.

Điều dưỡng Lê Thị  Diệu Thảo chia sẻ:  “Có những lúc, hơn 10 sản phụ cùng vào chờ sinh. Cùng gia đình sản phụ chuẩn bị chào đón em bé ra đời, chúng tôi cũng nhiều áp lực. Đa số điều dưỡng đều đặt mình vào hoàn cảnh người nhà bệnh nhân nên luôn lo lắng cho sản phụ. Có những bệnh nhân đau đớn trước sinh và sau mổ nên cáu gắt, chúng tôi động viên an ủi họ. Chăm sóc bệnh nhân bằng tấm lòng thì sẽ tốt cho sức khỏe của bà mẹ và em bé ”.

Đơn vị hồi sức cấp cứu có khá đông bệnh nhân. Đa số là bệnh nhân từ 80 tuổi trở lên bị tai biến, xuất huyết não và viêm phổi nặng. Hai chị điều dưỡng vừa tiêm thuốc xong, tiếp tục thực hiện động tác vỗ lưng, xoa bóp nhẹ nhàng cho cụ bà bị tai biến, nằm bất động. Giường bệnh khác, điều dưỡng đang hút đàm dãi sau khi bệnh nhân lên cơn ho, khó thở. “Đây là nơi đảm bảo vô trùng tuyệt đối nên điều dưỡng đảm bảo chăm sóc bệnh nhân toàn diện từ việc theo dõi diễn biến bệnh, tình trạng sức khỏe, xử lý điều trị trong khả năng có thể, cho bệnh nhân ăn, hỗ trợ hộ lý làm vệ sinh thân thể cho bệnh nhân. Mỗi ngày, một điều dưỡng làm việc 12 tiếng. Đêm nào trực,  điều dưỡng phải thức suốt đêm”. Cử nhân Trương Thị Huyền, Điều dưỡng trưởng đơn vị cho biết.

Bệnh nhân T.D.T, kỹ sư xây dựng, 60 tuổi, cán bộ hưu trí, ở đường Lịch Đợi, phường Đúc, TP. Huế vừa phẫu thuật cắt dạ dày, đang điều trị tại Khoa Ngoại Tổng hợp. Khi được hỏi về thái độ chăm sóc của điều dưỡng khoa, mắt bệnh nhân đỏ hoe, rơi lệ. Bệnh nhân T. cảm động: “Trên  60 tuổi, lần đầu tiên tôi nằm bệnh viện dài ngày, không ngờ được bác sĩ và điều dưỡng chăm sóc tốt như vậy. Có hai điều dưỡng luôn chăm sóc tôi là cô Tuyến và cô Lợi, chưa khi nào tôi gặp  ánh mắt lạnh lùng, lời nói to tiếng, họ chăm sóc tôi rất kỹ, động viên, hỏi thăm tôi tử tế chẳng khác gì người nhà. Tôi chỉ biết cám ơn, trân trọng thái độ của những người thầy thuốc của khoa”.

Cử nhân Dương Thị Hồng Liên, Trưởng điều dưỡng Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế trao đổi, điều dưỡng bệnh viện ở đây khác biệt các bệnh viện khác, vừa phục vụ bệnh nhân, vừa tham gia hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên nên phải có kiến thức vững về chuyên môn. Trường đào tạo nâng cao trình độ cho điều dưỡng bằng nhiều hình thức. Họ học tập từ thầy cô, đồng nghiệp  của trường, học tập từ các đồng nghiệp các bệnh viện có nền y học tiên tiến  trên thế giới đang hợp tác với trường thường xuyên đến trường giảng dạy, trao đổi nghiệp vụ.

Nhiều điều dưỡng được trao đổi kiến thức bằng những lần dự hội thảo, hội nghị hoặc được học tập trao đổi nghiệp vụ ngắn ngày ở nước ngoài. Khi tiếp xúc với các điều dưỡng ở khoa sản, tôi thấy một số sinh viên y khoa nước ngoài đang thực tập tại khoa, đều nói tiếng Anh với  điều dưỡng. Được vậy là nhờ trường  mở các lớp chuyên ngành tiếng Anh để giảng dạy điều dưỡng, do các bác sĩ nước ngoài giảng dạy.

“Nhà  trường, bệnh viện luôn tạo điều kiện nâng cao kiến thức trình độ chuyên môn và y đức cho điều dưỡng. Mục tiêu của chúng tôi là mỗi điều dưỡng phải giỏi chuyên môn, tốt y đức để phục vụ tốt hơn cho bệnh  nhân”, GS.TS. Cao Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện Trường đại  học Y - Dược nói.

Bài, ảnh: Đinh Hoàng Xuân Hồng