Du khách thăm Văn Miếu - Quốc tử Giám (Hà Nội). Ảnh: Internet

Việt Nam là đất nước hòa bình, an ninh và có chính trị ổn định; đất nước đang phát triển, với hạ tầng, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng… Đó là lý do mà hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un lựa chọn Việt Nam để tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai để bàn luận về việc phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, sau lần thứ nhất tại Singapore vào tháng 6/2018.

Với vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế, Việt Nam khẳng định là một đất nước hội đủ các điều kiện về nhân lực và vật lực để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khiến hàng tỷ người trên thế giới phải dõi theo, được cho là ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Chính vì sự quan trọng và mức độ dõi theo của thế giới mà đây được xem là cơ hội hiếm có cho Việt Nam quảng bá hình ảnh, nhất là ở lĩnh vực du lịch.

Trở lại hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại Singapore trước đó gần một năm, theo những nhà phân tích kinh tế, Singapore đã lãi đến 38 lần từ việc tổ chức hội nghị (chủ yếu ở vận hành du lịch, bán lẻ và truyền thông). Riêng ở lĩnh vực du lịch, hiệu quả nhất vẫn là ở khâu quảng bá hình ảnh. Chẳng hạn, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tham quan vịnh Marina, hình ảnh đó xuất hiện trên trang nhất của rất nhiều tờ báo thế giới.

Cuộc gặp lịch sử lần thứ nhất góp phần mang lại giá trị quảng bá hình ảnh rất lớn cho đảo quốc sư tử. Theo thống kê của Google, chỉ tính riêng tại Mỹ, trước một ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh, cụm từ “Singapore ở đâu” đã được tìm kiếm đến hơn 2 triệu lần. Đó là những lý do góp phần đưa tổng số du khách đến Singapore trong năm 2018 đã tăng 6,2%, cao nhất trong 3 năm trở lại.

Về hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai diễn ra tại thủ đô Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết trong buổi họp báo trước thềm hội nghị, tính đến ngày 25/2, đã có hơn 3.000 phóng viên quốc tế của hơn 200 hãng thông tấn báo chí, từ gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ đến Việt Nam đưa tin về hội nghị thượng đỉnh này; bên cạnh đó, gần 550 phóng viên trong nước cũng đã đăng ký tác nghiệp. Đây là con số phóng viên đông nhất tham gia tác nghiệp tại một sự kiện từ trước đến nay được tổ chức ở nước ta, còn lớn hơn cả số lượng phóng viên tại APEC 2017 và Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore được tổ chức trước đó.

Tổng cục Du lịch cho biết, trước, trong và sau ngày diễn ra hội nghị, tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị lữ hành tổ chức cho phóng viên quốc tế đến tác nghiệp tham quan quanh Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình bằng các tour du lịch miễn phí. Đây sẽ là những người giúp quảng bá nhiều hình ảnh du lịch Việt Nam hơn ra thế giới.

Xét về yếu tố kinh phí để quảng bá du lịch, không phải dễ để có thể đưa ảnh Việt Nam lên sóng các hãng truyền hình lớn, hay xuất hiện trên trang nhất của những tờ báo nổi tiếng hàng đầu thế giới, được hàng triệu độc giả theo dõi. Còn nhớ, cách đây hai năm, để đưa hình ảnh Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung lên sóng của CNN, những người làm du lịch phải bỏ ra đến 2 triệu USD để thực hiện.

Chắc chắn những hoạt động của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Hà Nội sắp đến là dịp để Việt Nam xây dựng thương hiệu du lịch ra trường quốc tế. Còn nhớ vào năm 2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thưởng thức món bún chả đặc trưng ở Hà Nội tại quán Hương Liên ở Hà Nội. Sau sự kiện đó, quán bún chả này được biết đến với thương hiệu “Bún chả Obama” và món bún chả này còn nổi tiếng khắp thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách khi đến Hà Nội.

Với sự thân thiện, tươi đẹp của một đất nước hòa bình, được chọn làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, như thay lời khẳng định Việt Nam là điểm đến đủ khả năng phục vụ các sự kiện tầm cỡ quốc tế. Việc tổ chức sự kiện này còn truyền đi thông điệp của Việt Nam là điểm đến phù hợp với các nhà lãnh đạo, doanh nhân, những du khách dù khó tính nhất. Đây cũng chính là tiền đề cho loại hình du lịch MICE ở nước ta phát triển; thu hút đầu tư vào du lịch với một môi trường ổn định, bền vững.

Quang Sang