Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà tặng quà cho các thương binh, bệnh binh và đại diện gia đình liệt sĩ

Nhớ thời oanh liệt

Tham dự buổi gặp mặt có 46 đại biểu là thương binh, bệnh binh và đại diện gia đình liệt sĩ đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc, trong đó có 18 thương binh, 2 bệnh binh, những người đã để lại một phần xương máu, thân thể mình nơi chiến trường. Những ngày tháng hào hùng, những cảm xúc bi tráng, những kỷ niệm của một thời trai trẻ xả thân vì Tổ quốc ùa về khiến ai cũng nghẹn ngào, xúc động.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Buổi gặp mặt là dịp thể hiện sự quan tâm, tôn vinh và tri ân sâu sắc công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào cả nước nói chung, trong đó có những người con của quê hương Thừa Thiên Huế anh hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc cách đây 40 năm”.

Cuộc chiến đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng nơi biên ải vẫn in đậm trong tâm trí của binh nhất Hoàng Việt Quốc. Ông nhớ lại: “Khoảng 5h sáng ngày 17/2/1979, trọng pháo quân xâm lược nổ rền trên toàn doanh trại đại đội 2, tiểu đoàn 1, trung đoàn 12 Công an vũ trang Bộ Tư lệnh (nay là Bộ đội Biên phòng) đóng tại đồi Đồng Đăng, Lạng Sơn. Chiến tranh ác liệt nhưng chúng tôi vẫn chiến đấu anh dũng, kiên cường, quyết tâm bảo vệ biên cương. Những đồng đội của tôi: Phạm Bá Hải, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thanh Tuấn đã anh dũng hy sinh trên trận tuyến. Bản thân tôi cũng mang nhiều thương tật”.

Cuộc gặp mặt đầy xúc động của các thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

Trong số 46 người tham dự buổi gặp mặt, hơn một nửa là thân nhân của các liệt sĩ. Đến giờ, nỗi đau mất người thân vẫn chưa bao giờ nguôi trong lòng họ. Nỗi đau ấy càng nhân lên khi đến giờ, anh Phạm Bá Trí vẫn chưa tìm được hài cốt của cha - liệt sĩ Phạm Bá Hải. 40 năm trước, cha anh Trí từ biệt gia đình lên đường nhập ngũ khi anh mới chào đời được 3 ngày. Sáng 17/2/1979, bố anh và nhiều người bạn đồng niên cùng quê Phong Điền đã anh dũng ngã xuống, nằm lại trong cuộc chiến bảo vệ biên cương, nơi trận địa ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc – pháo đài Đồng Đăng.

Anh Trí xúc động: Năm 1977, bố tôi cùng đồng đội tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc khi tôi chỉ mới 3 ngày tuổi. Đến khi tôi 15 tháng tuổi thì bố hy sinh. Lớn lên chưa một lần được gặp bố, hình ảnh về người bố kính yêu luôn in đậm trong tâm trí tôi qua những câu chuyện kể của mẹ. Còn nhớ thuở nhỏ, mỗi lần tôi hỏi bố con đâu, mẹ lại nén nỗi đau, nghẹn ngào: “Bố đang bảo vệ biên cương, con à”.

Từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc hơn 3 năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung không ngăn được xúc động khi chia sẻ về những ngày tháng chiến đấu ác liệt, về những kỷ niệm hào hùng của thời trai trẻ ở chiến trường, về những đồng đội không bao giờ trở về, hoặc một phần xương máu của họ đã rơi xuống vì biên cương. “Lúc ấy, tôi đã gác bút, hăm hở lên đường cầm súng chiến đấu, chỉ với mục đích duy nhất là bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi là người may mắn được trở về, còn nhiều đồng đội khác đã mãi mãi nằm xuống”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đau đáu.

Ước mong đưa các liệt sĩ về đất mẹ

Sau 40 năm, điều ông Nguyễn Dung và những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ đau đáu là hiện vẫn còn nhiều trường hợp liệt sĩ hy sinh chưa tìm được hài cốt, danh tính, họ đang nằm lại trong những cánh rừng, bên bờ sông, bờ suối biên cương của Tổ quốc. Ông Hoàng Việt Quốc cho hay: “Năm 2004, tôi trở lại chiến trường xưa đi tìm đồng đội và đã tìm được nơi an nghỉ liệt sĩ Nguyễn Văn Cường, còn liệt sĩ Phạm Bá Hải, Nguyễn Thanh Tuấn và nhiều đồng đội nữa chưa xác định được danh tính. 40 năm qua, trái tim tôi vẫn đau đáu ước nguyện đưa được hài cốt các anh về an nghỉ trên đất mẹ”.

Anh Phạm Bá Trí tâm sự: “Sau nhiều năm đằng đẵng tìm kiếm, đến hôm nay, nỗi canh cánh của gia đình tôi cũng như nỗi lòng của thân nhân những anh hùng liệt sĩ khác đã ngã xuống trên biên giới, là hài cốt của bố tôi cùng nhiều đồng đội của ông vẫn chưa tìm được để đưa về với đất mẹ. Tôi tha thiết mong rằng, các cấp, các ngành hữu quan tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác tìm kiếm, xác định danh tính, quy tập hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vệ quốc năm 1979”.

Khẳng định Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao to lớn của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Dung đề nghị, cùng với việc tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công, các ban ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, đó cũng chính là cách để tri ân những cống hiến của các anh hùng liệt sĩ.

Bài, ảnh: Minh Hiền