Hơn 7.000 ha rừng trồng gỗ lớn

Năm 2018, cả nước xuất khẩu các sản phẩm gỗ hơn 9,3 tỷ USD, đứng thứ hai tại châu Á. Xét theo tỷ lệ phần trăm, ngành chế biến lâm sản chiếm đến 27% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Trồng rừng vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa gìn giữ môi trường

Ở nhiều tỉnh miền Trung, khi nhu cầu nhập khẩu gỗ của thế giới tăng cao, các tỉnh đều đẩy mạnh mục tiêu phát triển rừng, sản xuất và chế biến lâm sản nói chung và xuất khẩu nói riêng. Chỉ tính riêng về diện tích rừng trồng, nhiều tỉnh đã đạt một con số khá cao, như: Quảng Nam hơn 220 ngàn ha rừng trồng, Quảng Ngãi gần 200 ngàn ha, Quảng Trị và Bình Định, mỗi nơi trên dưới 110 ngàn ha. Riêng Thừa Thiên Huế khoảng 70 ngàn ha rừng trồng.

Nhiều tỉnh đặt mục tiêu và quyết tâm rất cao thúc đẩy phát triển rừng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế, phát triển rừng trồng gỗ lớn, bảo vệ môi trường. Riêng tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019 -2020 lên gần 600 tỷ đồng, bao gồm cho người trồng rừng; quy hoạch, thiết kế diện tích đất rừng; công tác phát triển và cung cấp giống và cả các HTX, DN tham gia vào mắt xích thu mua chế biến…

Nhiều tỉnh đã nắm bắt, đón nhận cơ hội từ nhu cầu gỗ và các sản phẩm từ chế biến gỗ thế giới tăng cao để tăng tốc phát triển ngành lâm nghiệp.

Phát triển diện tích rừng trồng hiện nay không khó. Sau nhiều năm nhìn thấy hiệu quả kinh tế từ rừng đưa lại, người nông dân đã “quá mê” trồng rừng, nếu nói không ngoa. Từ chỗ người ta dửng dưng thì nay tìm diện tích để trồng rừng rất khó. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng rừng cũng theo đó mà tăng cao. Vì sao người ta mê? Vì mỗi người sở hữu chừng 4 -5 ha đất rừng là sống khỏe. Cỡ 10 ha trở lên đã trở nên khá giả và giàu có. Nói như thế để thấy rằng, đến thời điểm hiện nay, chúng ta khỏi vận động nông dân cũng làm, nếu vận động thì ở chỗ khác: làm thế nào để nâng cao hiệu quả từ rừng trồng. Và phát triển rừng sao cho bền vững.

Đó là hướng phát triển rừng trồng gỗ lớn đi cùng với cấp chứng chỉ FSC (Hội đồng quản lý rừng thế giới).

Thừa Thiên Huế đã làm việc này từ mấy năm nay. Tỉnh đã vận động thành lập hội chủ rừng, HTX lâm nghiệp, lập hồ sơ đề nghị Hội đồng quản lý rừng thế giới cấp chứng chỉ FSC cho hơn 4.000 ha. Công tác sản xuất giống và bảo vệ môi trường rừng bền vững cũng đã thực hiện một cách bài bản. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 7.000 ha rừng trồng gỗ lớn.

Nâng cao hiệu quả dưới tán rừng

Muốn phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và nâng cao kim ngạch xuất khẩu từ ngành này, không có cách nào khác hơn là phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Nhưng xem ra, trong tương quan so sánh với một số tỉnh miền Trung, Thừa Thiên Huế có vẻ như “yếu thế”.

Nói như thế bởi các yếu tố sau: Về diện tích rừng trồng, trong đó có rừng trồng gỗ lớn, Thừa Thiên Huế có quy mô không lớn bằng. Nếu như các nhà đầu tư qui mô lớn chế biến, sản xuất các sản phẩm gia dụng từ gỗ để xuất khẩu, có lẽ họ sẽ chọn những nơi gần vùng nguyên liệu hơn. Có lẽ vì lý do này cho nên trên địa bàn tỉnh, các xưởng gỗ và đồ mộc chủ yếu là tư nhân nhỏ lẻ. Nghĩa là chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa. Muốn cạnh tranh và nâng cao hiệu quả từ rừng; phát triển chuỗi kinh tế rừng, phải tăng diện tích rừng trồng gỗ lớn.

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả dưới tán rừng cũng là một điều cần suy nghĩ. Nguồn thu từ thiên nhiên dưới tán rừng trồng hiện nay không nhiều. Mùa nấm thì người dân đi hái nấm - chủ yếu là nấm tràm. Hái bán tươi, nếu năm nào được mùa thì giá hạ. Người dân quan niệm hái nấm là tranh thủ, thu hoạch theo kiểu “trời cho”. Nhưng nhu cầu về nấm hiện nay rất lớn, một trong những sản phẩm là nấm tràm. Có thể đặt vấn đề nghiên cứu và sản xuất được nấm tràm quanh năm không? Và khi sản xuất được nhiều thì công tác chế biến, ít nhất là sơ chế là như thế nào?

Nuôi ong cũng là một nguồn lợi thu được dưới tán rừng. Hiện nay người nuôi ong chưa nhiều. Người dân trong tỉnh lại càng ít. Và nuôi lấy mật được người tiêu thụ cũng không biết chất lượng thế nào nên giá mật ong rừng thì cao ngất ngưởng nhưng mật ong nuôi thì rẻ nhưng cũng khó bán.

Câu chuyện về trà trái vả Lộc Mai mà tôi được hiểu và khâm phục cách làm bài bản của người làm ra sản phẩm. Để thuyết phục người tiêu dùng, uống trà vả có lợi như thế nào cho sức khỏe, anh đã tìm đọc các tư liệu nói về công dụng của trái vả; tìm đến các nhà khoa học đã từng biết về điều này để giải thích, chứng minh. Đó là sự khởi đầu.

Sau này anh đã bỏ ra rất nhiều tiền thuê một trường đại học thực hiện một đề tài mang tính khoa học chứng minh trong trái vả có những chất gì? Chất gì tốt cho sức khỏe; tốt cho người bị bệnh? Và hiện nay anh ra được viên thuốc chức năng để chữa bệnh tiểu đường, được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận? Rồi sản phẩm rượu vang vả. Đó là một cách làm việc bài bản, đầu tư chiều sâu, dài hạn. Sản phẩm mật từ nuôi ong có làm được việc này không? Có xuất xứ nguồn gốc, có công bố chất lượng? Nói khai thác thêm hiệu quả dưới tán rừng là vậy.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: HOÀI THƯƠNG