Chủ tịch Kim nói chuyện với Tổng thống Trump tại phòng họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ  - Triều Tiên lần 2. Ảnh: Reuters

Có lẽ cũng như nhiều người Việt, tôi háo hức chờ đợi sự kiện “Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Triều” - một cuộc gặp thu hút đến 3.000 phóng viên quốc tế với “bầu đoàn thê tử” lỉnh kỉnh phương tiện máy móc tác nghiệp đến Việt Nam để đưa tin. Có lẽ không có gì lọt qua được mắt của 3.000 phóng viên và hàng triệu người trên thế giới luôn dõi theo.

Bỏ qua những vấn đề chính trị, ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ nói gì, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói gì..., nhìn sự kiện này, tôi lại ngẫm nghĩ nhiều đến chuyện chia ly, tác hợp. Trong lịch sử loài người, không hiếm các dân tộc bị chia cắt.

Thời cận đại này, tôi biết ít nhất có ba dân tộc và hai dân tộc đã hàn gắn được. Có những dân tộc thống nhất hai miền không cần đến tiếng súng - Đông Đức và Tây Đức chỉ một động tác “xô ngã bức tường Beclin”. Tất nhiên, con đường để đi đến kết quả này không hề đơn giản. Không có ý định  gợi lại vết thương lòng nhưng Việt Nam của chúng ta không có được điều may mắn như vậy khi phải trải qua một cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm với bao xương máu của bà con đồng bào đã đổ xuống. Để đến bây giờ, có một Việt Nam thống nhất và đang trên bước đường đi đến phát triển thịnh vượng.

Một dân tộc khác, mà hiện tại, có một chủ tịch đang ngồi hội đàm với Tổng thống Mỹ tại đất nước Việt Nam chúng ta - Chủ tịch Triều Tiên và câu chuyện Nam - Bắc Hàn, cũng là một đất nước chia ly.

Tôi đã được đọc một cuốn sách của ông Chung Ju yung, người khai sinh ra tập đoàn hùng mạnh của Hàn Quốc là Hyundai. Ông có câu chuyện  kể về gia đình mình, về  chuyện 40 năm ông mới có dịp trở về thăm quê hương và bà con cật ruột ở Triều Tiên. Một câu chuyện đầy khát vọng hàn gắn dân tộc.

Là câu chuyện của người khác. Nhưng tôi cứ hình dung rằng, giả sử có một ngày nào đó, Nam – Bắc Triều hòa hợp với nhau thì đất nước này có cơ hội hùng mạnh như thế nào, nhiều gia đình ly tán đoàn tụ và vui sướng ra sao… bởi vì, tôi đã từng có cảm giác như vậy trong chính gia đình mình.

Hơn 70 triệu dân là đất nước có dân số không hề nhỏ. Hàn Quốc đã là một quốc gia giàu có và phát triển, có một nền quản trị quốc gia tiên tiến, người dân đã ở tầm mức trình độ văn minh… Triều Tiên có diện tích đất đai và nguồn tài nguyên rộng lớn; người dân nung nấu khát khao vươn lên  làm giàu… Đó là sự bổ sung cho nhau giữa hai miền Bắc – Nam nếu thống nhất, hòa hợp. Có lẽ, không nhiều những dân tộc có những điều kiện như vậy?

Bao giờ cũng vậy, đã có chia ly thì có khao khát đoàn viên.

Tôi lục lại xem một bức ảnh chụp từ phía sau, hai nhà lãnh đạo Nam – Bắc Triều nắm tay nhau bước qua ranh giới hai miền tại Bàn Môn Điếm. Một hình ảnh quá đẹp trong quan hệ hai miền. Và đã không ít kỳ vọng được đặt ra  ở cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này.

                                                        Nguyên Lê