Năm 2019 là năm thứ 4 thực hiện nhiệm vụ KTXH 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và là năm thứ 9 thực hiện chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011-2020. Bên cạnh nhiều thời cơ, vận hội, chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế. Dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức; chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng.
Việc hoàn thành nhiệm vụ năm 2019 có ý nghĩa hết sức quan trọng để tạo nền tảng tiếp tục hoàn thành kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm để đất nước bước sang giai đoạn mới - thực hiện chiến lược 10 năm giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn đẩy mạnh CNH-HĐH để trở thành 1 nước cơ bản công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có hạ tầng GTVT và hạ tầng đô thị; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý để khắc phục những hạn chế của quá trình phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT phải tập trung để cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, Trung ương Đảng để hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động nguồn lực, tập trung tổ chức thực hiện để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đồng thời tái cấu trúc các lĩnh vực dịch vụ vận tải để nâng cao năng lực vận tải, giảm chi phí logistics, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong đó, ngành GTVT chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật chuyên ngành GTVT. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu, mang tính quyết định trong việc tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quản lý hiệu quả hơn.
Đồng thời tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến kết cấu hạ tầng giao thông vận tải làm cơ sở cho hoạt động đầu tư, góp phần tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GTVT. Quyết liệt chỉ đạo triển khai xây dựng 5 quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong 05 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển, đường thuỷ nội địa. Đặc biệt, chú ý tính kết nối giữa các phương thức vận tải; kết nối giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế với hệ thống cảng biển; kết nối giữa các vùng với mạng lưới giao thông quốc gia.
Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư gắn với nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, đồng thời thực hiện đầu tư, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, trọng tâm là các dự án giao thông trọng điểm như: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông; các tuyến cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, Hoà Bình - Mộc Châu, Lạng Sơn - Cao Bằng, Đồng Đăng - Trà Lĩnh…; các tuyến kết nối với các tuyến cao tốc, kết nối giữa các vùng, đặc biệt giữa các tỉnh Tây Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường sắt hiện có; kêu gọi đầu tư phát triển các cảng biển (Lạch Huyện, Cái mép - Thị Vải; phối hợp với Bộ Công Thương, ngành Than sớm nghiên cứu đầu tư các cảng chuyên dùng xuất nhập khẩu than); Các dự án đường thuỷ nội địa, đặc biệt là dự án xử lý các nút thắt của giao thông thuỷ nội địa (Kênh Chợ Gạo, nâng cấp Cầu Đuống và các dự án giao thông quan trọng khác như: Quốc lộ 60, cầu Đại Ngãi, các tuyến giao thông kết nối với các tuyến cao tốc...; hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đường sắt đô thị; tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, chủ động xây dựng cơ chế đầu tư phù hợp để huy động nguồn lực. Chủ động, phát huy hiệu quả hơn nữa các phương án, giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra với hạ tầng GTVT, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn.
Chú trọng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm tai nạn giao thông đi liền với nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Bộ GTVT cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Công an và các địa phương tăng cường các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa, bảo đảm kéo giảm tai nạn giao thông cả năm 2019 và những năm tiếp theo, trước mắt là thời kỳ cao điểm dịp nghỉ Tết và mùa Lễ hội Xuân năm 2019. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện siết chặt quản lý vận tải và duy trì thực hiện kiểm soát tải trọng xe. Đổi mới, siết chặt công tác tổ chức đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe; công tác quản lý, bảo trì, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành để kịp thời điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp.
Theo VPCP