Khách du lịch trên bãi biển Kata Noi ở Phuket, Thái Lan. Ảnh: AFP

Du lịch là một công cụ mạnh mẽ để phát triển, chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và tạo ra 10% việc làm trên toàn cầu. Lĩnh vực này cũng được liên kết với tất cả các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), ngành du lịch và lữ hành đã đóng góp một con số kỷ lục 8,8 nghìn tỷ USD và 319 triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới trong năm 2018. Đáng chú ý, các dịch vụ du lịch độc đáo và đa dạng của khu vực Đông Nam Á được dự báo sẽ đem về 598,3 tỷ USD vào năm 2028, tương đương 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.

Tuy nhiên, tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch đang bị đe dọa. Các Chính phủ khu vực và các bên tham gia trong ngành công nghiệp này đang làm việc để xác định những rủi ro chính đang đe dọa sự mạnh mẽ và khả năng phục hồi của ngành.

Trong bối cảnh động lực hàng đầu để du khách đến với khu vực là cảnh quan địa phương, đa dạng sinh học, di sản và văn hóa, sự sống còn của ngành du lịch phụ thuộc vào khả năng gìn giữ và bảo tồn, đồng thời thích nghi với các điều kiện xã hội, môi trường và khí hậu đang thay đổi.

Quá tải du lịch

Một sáng kiến ​​du lịch thành công mà không có sự kiểm soát có thể là mối nguy tồi tệ nhất của ngành. Điều này đã được chứng kiến trong trường hợp của hòn đảo Boracay ở Philippines, vịnh Maya của Thái Lan và nhiều điểm đến khác trong khu vực. Du lịch đôi khi có thể tác động tiêu cực lên một điểm đến thông qua tình trạng quá tải, khi số lượng khách du lịch vượt quá khả năng xử lý của một địa phương.

Chủ tịch Học viện Nghệ thuật, Văn hóa và Di sản Quốc gia Malaysia, ông Ong Hong Peng trích dẫn ví dụ về đảo Sipadan của Malaysia vào đầu những năm 2000. Sau sự suy giảm về chất lượng của các rạn san hô và sinh vật biển do quá tải du lịch, Malaysia đã có bước đi táo bạo trong việc di dời tất cả những tòa nhà và doanh nghiệp ra khỏi đảo Sipadan. Thực hành quản lý bền vững đã được thực hiện và hạn ngạch hàng ngày giới hạn chỉ 120 thợ lặn được áp dụng để giảm áp lực lên môi trường.

“Những biện pháp này góp phần cải thiện chất lượng và sự đa dạng của sinh vật biển và hệ sinh thái, từ đó đảm bảo sự bền vững của đảo Sipadan. Khu vực này tiếp tục được xếp hạng trong top 10 địa điểm lặn tốt nhất trên thế giới. Những can thiệp kịp thời này giúp gặt hái những lợi ích kinh tế và xã hội lâu dài một cách bền vững”, ông Ong Hong Peng nói thêm.

Ô nhiễm, khí hậu và những mối đe dọa khác

Ô nhiễm là một mối đe dọa đáng kể đối với các điểm đến du lịch, trong đó nhựa sử dụng một lần là mối nguy hiểm tiềm tàng. Mối đe dọa này đặc biệt lớn hơn ở Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nơi 1/2 các quốc gia thành viên nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về khối lượng chất thải nhựa được quản lý yếu kém.

Theo ông Amran Hamzah của Khoa Quy hoạch Du lịch tại Đại học Công nghệ Malaysia, việc thiếu xử lý nước thải đúng cách và xử lý chất thải rắn không đúng cách cũng đang đe dọa các điểm đến quan trọng trên biển.

“Suy thoái môi trường đạt đến mức báo động tại nhiều đảo du lịch trong khu vực Đông Nam Á. Thiếu xử lý nước thải đúng cách, xử lý chất thải rắn không đúng cách, hành vi du lịch thiếu trách nhiệm và rác thải nhựa đang làm suy giảm tài nguyên biển, yếu tố đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ các hoạt động du lịch như lặn có bình khí”, ông Amran Hamzah lưu ý.

Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu. Chuyên gia thích ứng và rủi ro khí hậu, bà Sarah Opitz-Stapleton cho rằng, nhiệt độ nước biển gia tăng dẫn đến sự mất mát không thể đảo ngược đối với các hệ sinh thái san hô, cá nhiệt đới,…

Thực hành du lịch bền vững có thể đảm bảo tài sản du lịch tiếp tục hỗ trợ cho các cộng đồng, trong khi đánh giá rủi ro có thể hỗ trợ các quốc gia xác định nơi cần sự can thiệp. Hiểu được những mối đe dọa trong tương lai cho phép chúng ta có thời gian để chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra.

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)