Theo tính toán mức tăng và lộ trình tăng giá thu gom, sau năm 2022, nhà nước sẽ không còn bù lỗ cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải

Bỏ dần cơ chế "bao cấp"

Từ năm 2018, giá DV thu tại các hộ gia đình, hộ kinh doanh được áp dụng theo Quyết định 94 của UBND tỉnh quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Mức giá này được điều chỉnh tăng hằng năm theo lộ trình đến năm 2022.

Cụ thể, đối với địa bàn TP. Huế, mức tăng qua từng năm thấp nhất 14 nghìn đồng/hộ, cao nhất 43 nghìn đồng/hộ. Riêng đối với hộ kinh doanh ở kiệt, ngõ thuộc nhóm 1 (kinh doanh dịch vụ ăn uống, vật liệu xây dựng, sản xuất, chế biến các loại thực phẩm, gia công hàng thủ công) có mức tăng cao nhất từ 75.000 đồng/hộ/tháng năm 2018 lên 128.000 đồng/hộ/tháng năm 2019.

Với mức tăng trên, nhiều hộ dân trên địa bàn TP. Huế, TX. Hương Trà, Hương Thủy..., nhất là những hộ kinh doanh đều cho là quá cao, chưa hợp lý. Phản ứng của nhiều hộ dân là không nộp tiền dịch vụ.  

Giải thích về mức thu theo Quyết  định 94, ông Trần Bá Mẫn, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, trước đây các địa phương áp dụng mức thu phí vệ sinh môi trường (VSMT) do HĐND tỉnh thông qua với mức tương đối thấp, chỉ đủ bù đắp 26,9% chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, còn lại Nhà nước bù ngân sách 73,1% (tương đương hơn 86 tỷ đồng) mỗi năm.

Khi Luật phí, lệ phí ra đời, một số dịch vụ được chuyển từ danh mục phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, trong đó phí VSMT được chuyển thành giá DV. Vận hành theo cơ chế giá, nên giá DV đòi hỏi phải được tính đúng, tính đủ. 

Muốn tính đúng, tính đủ, mức thu sẽ tăng từ 3-6 lần so với mức phí VSMT. Có nghĩa, mức thu giá DV đối với hộ không kinh doanh sẽ là 90.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh mức thấp nhất 165.000 đồng/tháng, cao nhất 220 nghìn đồng/tháng. "Nếu áp dụng mức tăng cao đột ngột này chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân và gây nên những tác động tiêu cực đối với xã hội. Vì thế, phương án tăng giá được điều chỉnh theo lộ trình kéo giãn 5 năm (2018-2022), vừa phù hợp với thu nhập của người dân, đồng thời giảm dần việc bù ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển", ông Trần Bá Mẫn phân tích.

Mục tiêu của lộ trình là nhằm tiến đến cắt giảm "bao cấp", song mức thu như hiện nay chỉ mới đáp ứng 30-40% mức giá, nên Nhà nước vẫn đang bù lỗ. Theo lộ trình thu này, phải từ sau năm 2022, mức giá DV cơ bản đảm bảo thu đủ để chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải, còn phần chi phí xử lý rác thải vẫn cần nguồn ngân sách "đài thọ".

Sở dĩ có những ý kiến phản đối của người dân về giá DV tăng cũng là điều dễ hiểu do tâm lý và thói quen được nhà nước bao cấp khi áp dụng thu theo mức phí VSMT trong thời gian quá dài. Nhưng để điều tiết mức tăng giá phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định của nhà nước về cơ chế điều hành giá, buộc lòng Quyết định 94 ra đời và phải được thực thi.

Giá tăng, chất lượng dịch vụ phải tăng

Dù chấp thuận mức tăng giá DV theo Quyết định 94, nhưng theo nhiều người dân, trong khi giá DV tăng, nhưng chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển chưa được đầu tư tương xứng. Hiện, nhiều tuyến đường ở TP. Huế cũng như vùng ven vẫn còn nhếch nhác rác thải, làm xấu bộ mặt cảnh quan đô thị.

Ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT) giải thích, công tác thu gom vận chuyển rác thải đã được công ty chú trọng cải thiện, đổi mới để đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, một mặt là vì vẫn tồn tại tình trạng thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong việc xả rác bừa bãi, không đúng nơi, đúng thời gian thu gom, làm ảnh hưởng đến chất lượng thu gom; mặt khác, do hạ tầng, việc thi công các công trình đường sá, cầu cống, làm cho bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.

 Ghi nhận ý kiến của người dân, Công ty MTĐT sẽ tập trung điều chỉnh một số hoạt động như: giờ thu gom, đặt thùng để hạn chế đến mức thấp nhất tồn đọng rác; kiểm tra, giám sát đội ngũ lao động để kịp thời chấn chỉnh thái độ làm việc chưa đúng nội quy, quy trình, bỏ sót rác sau kết thúc ca. Công ty sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bằng cách dán tờ rơi, đề-can về thời gian đổ rác, cách thức lấy rác, mức giá DV tại các khu dân cư, cơ sở kinh doanh...; đồng thời xây dựng phương án làm việc để huy động sự can thiệp, vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc xử phạt hành vi xả thải bừa bãi cũng như việc nộp đúng, nộp đủ tiền DV của người sử dụng dịch vụ.

Theo ông Trần Hữu Ân, khi giá DV tăng cao, đơn vị càng khó thu đủ. Vì dịch vụ này khác với điện, nước, đơn vị khó áp dụng biện pháp chế tài và không có thẩm quyền để xử lý trường hợp chây ì, không đóng tiền DV theo quy định. Với tình hình thu như hiện nay, công ty đang lo sẽ khó đạt mức thu 37,8 tỷ đồng tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải theo kế hoạch UBND TP. Huế giao năm 2019.

Bài, ảnh: Hoài Thương