Hoa của anh Nguyễn Đức Phú xuất ra các thị trường Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị
Anh Nguyễn Đức Phú (tổ dân phố 2, thị trấn A Lưới) dẫn khách tham quan địa điểm trồng hoa tuylip của anh. “Đầu năm nay, tôi tiến hành trồng 6.000 củ giống hoa tuylip được nhập về từ Hà Lan, mỗi chậu trồng 5 củ, với tiền giống mỗi củ là 8.000 đồng. Sau gần 1 tháng xuống giống, hoa nở đúng vào dịp Tết Kỷ Hợi, mỗi chậu bán ra 120 ngàn đồng, trừ chi phí tiền giống, phân bón, công chăm sóc, lãi ròng 60 ngàn đồng mỗi chậu. Trong đợt tết vừa rồi, trên diện tích hơn 200m2 trồng hoa tuylip, tôi thu lãi hơn 70 triệu đồng”.
Từ hiệu quả kinh tế của cây trồng này, nhiều hộ dân ở A Lưới đã chuyển sang đầu tư trồng hoa tuylip, kết quả đem lại cho các hộ trồng có nguồn thu nhập khá cao.
Gia đình chị Lê Thị Nga, ở thị trấn A Lưới là một trong những hộ như thế. Với hơn 300 chậu hoa tuylip cung ứng trong đợt Tết Kỷ Hợi 2019, gia đình chị đã mang về khoản thu nhập 36 triệu đồng với thời gian chỉ gần 1 tháng xuống giống.
Anh Nguyễn Chiến, cùng ở thị trấn A Lưới, một trong những hộ trồng hoa tuylip với số lượng lớn, chia sẻ: Vụ hoa tết vừa qua, trên địa bàn thị trấn A Lưới và xã Sơn Thủy có gần 10 hộ cung ứng hoa tuylip, giá bán trung bình 120 – 150 ngàn đồng/chậu, trong khi chi phí sản xuất chỉ khoảng 60.000 đồng/chậu, nên loại hoa này cho thu nhập khá cao. Đây là cây trồng được bà con kỳ vọng.
Theo anh Nguyễn Đức Phú (trước đây là Trạm trưởng Trạm khuyến nông – lâm – ngư huyện A Lưới, nay là Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện), cách đây 3 năm, anh đã tìm hiểu thị trường cùng các kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa tuylip, và cũng là người đầu tiên đưa loài hoa này du nhập vào A Lưới. Hai năm nay, sản phẩm hoa tuylip ở A Lưới được tiêu thụ tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị...
“Bình quân mật độ 20 ngàn cây trên một sào đất, thu hoạch thấp nhất cũng trên 400 triệu đồng, cho thấy hoa tuylip cho thu nhập cao so với các loại cây trồng khác. Riêng vấn đề sâu bệnh của cây hoa này, cán bộ kỹ thuật đã tập huấn cho bà con các biện pháp khắc phục hiệu quả, không còn lo ngại”, anh Phú khẳng định.
Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới – Hồ Văn Ngưm cho biết: Với lợi thế thích nghi tốt khí hậu bản địa, thời gian sinh trưởng không dài, chỉ từ 20-25 ngày, lợi nhuận cao, được thị trường ưa chuộng, hoa tuylip hoàn toàn có thể phát triển đại trà tại địa phương, hướng đến hình thành mô hình sản xuất ở vùng cao A Lưới.
Trước tiên, cần có chính sách hỗ trợ, vận động người dân cải tạo vườn tạp để hình thành một vùng chuyên canh nhằm đảm bảo nguồn cung cấp và chất lượng sản phẩm.
Lợi thế của cây hoa tuylip ở A Lưới đã rõ. Tuy nhiên, quy mô còn nhỏ lẻ, diện tích trồng chủ yếu là của cá nhân, hoa tuylip đang dừng lại ở mức độ hàng hoá thông thường. Địa phương chưa hình thành được HTX nông nghiệp quản lý và tổ chức mô hình sản xuất gắn với thương hiệu sản phẩm cây trồng này. Trong khi, cần có đơn vị thực hiện nhiệm vụ quảng bá thương hiệu, mở cửa hàng kinh doanh, tổ chức thu mua, giới thiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ...
Theo lãnh đạo huyện A Lưới, hoa tuylip cắt cành phải được đóng bao bì, có tem ghi số lượng, xuất xứ sản phẩm, giá thành... như một nhãn hàng hoá độc quyền chứ không chỉ bán từ vườn như lâu nay. Việc hình thành HTX là cần thiết, có trách nhiệm về nguồn giống, vật tư, cập nhật phổ biến kỹ thuật mới để giảm chi phí, giá thành, tăng năng suất, chất lượng, đưa hoa tuylip trở thành một sản phẩm hàng hoá có giá trị cao.
Hiện, ngành nông nghiệp huyện A Lưới đang đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư một kho lạnh cho địa phương để bảo quản củ giống và cây hoa cắt cành khi thu hoạch đại trà trên diện tích lớn.
Bài, ảnh: Bá Trí