Một lọ vắc-xin sởi, quai bị và rubella (MMR). Ảnh: Reuters
Sự lo ngại về mối liên hệ tiềm tàng giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ đã tồn tại trong 2 thập kỷ. Mặc dù các nghiên cứu không gắn liền việc chủng ngừa với bệnh tự kỷ, nỗi sợ hãi về nguy cơ này đã đè nặng lên các bậc cha mẹ ở một số cộng đồng trên khắp khu vực châu Âu và Mỹ, nơi tỷ lệ tiêm chủng quá thấp để ngăn chặn dịch bệnh sởi bùng phát.
Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu trên 657.461 trẻ em. Trong thời gian này, 6.517 trẻ em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ.
Những đứa trẻ được tiêm vắc-xin MMR có nguy cơ mắc bệnh tự kỷ thấp hơn 7% so với những đứa trẻ không được tiêm vắc-xin, các nhà nghiên cứu báo cáo.
"Cha mẹ không nên bỏ qua vắc-xin vì lo sợ tự kỷ. Những nguy hiểm của việc không chủng ngừa bao gồm sự trỗi dậy của bệnh sởi mà chúng ta đang chứng kiến trong ngày hôm nay", tác giả dẫn đần nghiên cứu, ông Anders Hviid thuộc Viện Nghiên cứu Huyết thanh Statens ở thủ đô Copenhagen, Đan Mạch cho hay.
Những người mắc bệnh sởi có thể lan truyền vi-rút trong vài ngày trước và sau khi xuất hiện phát ban. Đáng chú ý, vi-rút có thể sống lên đến 2 giờ đồng hồ trên bề mặt, nơi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi.
Cũng theo các nhà nghiên cứu, chỉ với mức sụt giảm 5% trong tỷ lệ bao phủ tiêm chủng có thể làm gia tăng gấp 3 lần các trường hợp mắc sởi trong cộng đồng.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu mối liên hệ giữa vắc-xin MMR và bệnh tự kỷ trong một nhóm toàn quốc gồm tất cả trẻ em được sinh ra ở Đan Mạch từ năm 1999 đến năm 2010. Họ theo dõi những đứa trẻ từ 1 tuổi đến cuối tháng 8/2013. Nhìn chung, 95% trẻ em trong nghiên cứu đã được tiêm vắc-xin.
Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ có anh chị em ruột mắc chứng tự kỷ có khả năng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cao hơn 7 lần, so với những đứa trẻ khác.
Các bé trai có khả năng được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ cao gấp 4 lần so với các bé gái, nghiên cứu nói thêm.
Bên cạnh đó, những đứa trẻ không được tiêm vắc-xin trong thời thơ ấu có khả năng được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ cao hơn 17%, so với những đứa trẻ được chủng ngừa theo khuyến cáo.
Trong một động thái liên quan, ông Saad Omer thuộc Đại học Emory ở thành phố Atlanta, Mỹ nhấn mạnh, nghiên cứu nói trên bổ sung vào một lượng lớn bằng chứng cho thấy, vắc-xin không gây ra bệnh tự kỷ.
Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters)